Ngôi nhà được mang tên “Bên kia chợ nổi”. Đây là tác phẩm đạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế Ngôi nhà thích ứng trong thời đại biến đổi khí hậu và thiên tai. Mô hình nhà chống lũ của Nguyễn Hồng Quân và Trần Trương Thúy Nhi đều đáp ứng được tiêu chí về số tiền đầu tư cho mỗi căn không quá 100 triệu đồng. Không gian nhà không chỉ để ở mà còn là nơi để sinh kế trong mùa bão lũ; xây dựng bằng vật liệu tại địa phương với kết cấu đơn và sử dụng nhân công tại chỗ.
Hồng Quân và Thúy Nhi.
Sau một năm từ ngày đạt giải, hai sinh viên được BTC cuộc thi hỗ trợ 100 triệu đồng để biến mô hình thành thực tế. Căn nhà đầu tiên được xây dựng từ tháng 1 đến tháng 3/2014 cho bác Nguyễn Văn Thương (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Lậy, tỉnh Tiền Giang). Những căn nhà chống lũ tiếp theo của Thuý Nhi và Hồng Quân sẽ tiếp tục được hoàn thành trong thời gian tới.
Nguyễn Hồng Quân (quê Cần Thơ) thường về những vùng trũng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười chơi và chứng kiến cảnh người dân ở đây khốn khổ mỗi khi mùa lũ về. Trong anh luôn đau đáu suy nghĩ sẽ thiết kế ngôi nhà có thể thích nghi với lũ.
Mô hình nhà chống lũ "Bên kia chợ nổi" của Quân và Nhi.
Quân gặp Thúy Nhi và chia sẻ suy nghĩ của mình. Để có ý tưởng thiết kế nhà chống lũ, cả hai cùng về chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) khảo sát, tìm hiểu về cuộc sống, cách xây nhà của dân địa phương vùng sông nước. “Mình nhận thấy người dân đã có biện pháp sống chung với lũ bằng cách xây nhà nổi hoặc nhà sàn. Tuy nhiên cách xây nhà như vậy vẫn chưa thực sự hiệu quả”, Thúy Nhi nói.
Sau một thời gian đi thực tế, Quân và Nhi thiết kế ngôi nhà chống lũ mang tên “Bên kia chợ nổi”. Ý tưởng được hình thành từ hình ảnh nhà sàn. Căn nhà của cả hai được xây dựng với vật liệu chính là gỗ bạch đàn – loại gỗ phổ biến tại địa phương. Các cột dầm cao 3m được làm bằng bê tông. Cột dầm chống đỡ không gian chính để sinh hoạt rộng khoảng 30m2. Vách tường làm bằng gỗ và được bao bọc bởi lớp vách trong suốt an toàn để vừa mang ánh sáng vừa che chắn gió. Sàn nhà được lót những tấm xi măng có thể tháo lắp dễ dàng và an toàn với sức khỏe.
Hình ảnh ngôi nhà chống lũ thực tế.
Hồng Quận cho biết: “Sự khác biệt so với nhà sàn là các cột dầm được thiết kế vững chắc, cao đến 3 mét. Như vậy sẽ làm cho nhà ở chính nằm biệt lập trên cao để tránh tình trạng nước ngập úng, ô nhiễm khi lũ về. Trong khi mùa nắng, thì không gian bên dưới nhà sẽ được tận dụng làm nơi nuôi trồng, sân chơi. Ngoài ra có thể dễ dàng sửa chữa nếu bị hư hỏng khi thiên tai xảy ra”.
Bác Nguyễn Văn Thương, người được trao tặng nhà chống lũ chia sẻ: “Ngôi nhà trước của tôi rất xập xệ, chỉ làm bằng tôn và lá dừa. Nhà thì nằm cạnh bờ kênh nên mỗi mùa nước lên thường xuyên gây ngập nặng. Gia đình đã cố gắng chồng chất hết đồ đạc lên cao nhưng vẫn không thể tránh được lũ. Cuộc sống chúng tôi còn khó khăn nên dù biết nguy hiểm mỗi khi lũ về nên tôi chưa thể tự xây cho mình một ngôi nhà khang trang hơn”.
“Mình hài lòng khi thấy ngôi nhà được xây dựng đúng như ý tưởng thiết kế ban đầu và được người dân vùng lũ vui mừng đón nhận thành quả của nhóm. Hiện tại chúng mình tập trung làm đồ án tốt nghiệp và chờ nhận thêm phản hồi về hiệu quả của nhà chống lũ để hoàn thiện hơn nữa”, Thúy Nhi chia sẻ.
Theo Zing