Giữa một khu vườn rộng bạt ngàn ở ấp An Thạnh của làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có một tòa dinh thự cổ bề thế nổi bật với màu trắng như tuyết và kiến trúc phương Tây cổ điển.
Đó là tư dinh có diện tích khoảng 700m2 của ông Lê Quang Xoát, con cháu của một gia tộc giàu có trong vùng đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Mặt tiền của tòa nhà gây ấn tượng mạnh mẽ với hàng hiên gồm hàng chục cây cột được tạo hình cầu kỳ.
Các họa tiết trang trí toát lên vẻ quý phái.
Nhưng khi bước vào bên trong nhà, một điều ngạc nhiên nữa lại xuất hiện...
Những cấu trúc bê tông kiểu Tây biến mất, thay vào đó là những hàng cột gỗ đen bóng của một ngôi nhà cổ thuần Việt.
Gian nhà chính hiện ra với những bộ cửa được chế tác rất tinh xảo.
Đây là những tác phẩm tuyệt mỹ của các thợ mộc thời xưa.
Trung tâm của nhà chính là không gian thờ cúng với các ban thờ, hoành phi, bao lam, liễn đối... được khảm xà cừ rực rỡ.
Nhiều nội thất trong nhà là những cổ vật quý giá, nổi bật là bộ bàn ghế gỗ có mặt bàn làm bằng đá hoa cương.
Những bức tranh thờ cùng nhiều lọ, bình... cũng là cổ vật được truyền lại qua nhiều thế hệ.
Mái nhà lắp nhiều ô cửa kính, một biện pháp sáng tạo để đưa ánh sáng mặt trời vào nhà trong ban ngày.
Xà nhà cũng được chạm khắc tỉ mỉ.
Làm nhà kiểu Tây bao bọc bên ngoài ngôi nhà chính kiểu thuần Việt là kiểu kiến trúc mà một số nhà cổ Tiền Giang áp dụng. Một ngôi nhà cổ nổi tiếng khác cùng kiểu xây dựng này là nhà Đốc Phú Hải ở Gò Công.
Với cách một ngôi nhà bằng gạch kiện có bên ngoài, các cấu trúc gỗ của ngôi nhà bên trong sẽ được che chắn khỏi tác động thời tiết.
Theo các tư liệu của dòng họ, ngôi nhà cổ bằng gỗ đã được ông Lê Văn Ký (ông Lê Quang Xoát là cháu đời thứ 6) xây dựng từ năm 1818. Đến năm 1934 ngôi nhà gạch kiểu Tây mới được xây dựng bên ngoài.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản xếp ngôi nhà cổ của ông Xoát vào hàng “cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam. |
Theo Kiến thức