Với vai trò Chủ tịch và cổ đông sáng lập công ty, vì sao ông Tuấn lại muốn thoái gần hết vốn khỏi cơ nghiệp đã dày công xây dựng?
Cả hai lần bán, ông Tuấn đều công bố lý do là lấy tiền để đầu tư vào đại học Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ do Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Vậy vì sao dự án của công ty mà ông Tuấn phải bán cổ phiếu của mình để hỗ trợ?
Đại diện công bố thông tin của Hoàng Quân cho biết: “Ông Tuấn bán cổ phiếu để lấy tiền cho công ty vay vì tình hình tài chính của Hoàng Quân đang gặp khó khăn. Số tiền công ty được hỗ trợ sẽ phục vụ cho dự án đại học Đồng bằng Sông Cửu Long tại Cần Thơ”.
Dự án này có tổng diện tích trên 100 ha với vốn đầu tư dự kiến gần 1.300 tỷ đồng. Thủ tướng đã có công văn chấp thuận thực hiện dự án vào cuối năm 2010, nhưng đến nay nó vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa. Mặt bằng lãi suất cao trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua là một rào cản cho những công ty địa ốc như Hoàng Quân.
Mặt khác, nguồn lực tài chính của công ty cũng rất eo hẹp. Chẳng hạn, tiền và tài sản tương đương tiền năm 2012 và 2013 của Hoàng Quân chỉ trên dưới 20 tỷ đồng. Dòng tiền về hằng năm trong giai đoạn này cũng chưa tới 5 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền trên rõ ràng chẳng thấm vào đâu so với những dự án quy mô ngàn tỷ đồng của Hoàng Quân. Nhưng ông Tuấn phải bán ngay lúc này để cứu vãn dự án tại Cần Thơ, bởi theo vị đại diện trên, nếu không triển khai tiếp thì sẽ bị thu hồi.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Địa ốc Hoàng Quân. |
Việc bán tài sản riêng để hỗ trợ cho thấy, có vẻ như Hoàng Quân đang gặp khó với dự án này. Dù kéo dài hơn 3 năm qua nhưng dự án vẫn chưa có gì tiến triển. Trong khi đó, việc đầu tư vào đại học tư chưa phải là điểm sáng trong giai đoạn hiện nay.
Một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và có dự án tại Việt Nam (không muốn nêu tên) đánh giá: “Trường đại học tư đang dư thừa công suất và khó tuyển sinh”. Hồi cuối năm 2013, Hiệp hội Các trường Đại học Cao đẳng ngoài công lập cho biết, chỉ có chưa đến 13% trên tổng số học sinh chọn trường tư.
Hiện nay, ông Tuấn và gia đình còn sở hữu rất ít cổ phiếu của Hoàng Quân - chưa đến 5%. Công ty Hoàng Quân Mê Kông nắm giữ trên 19% nữa, tuy nhiên, ông Tuấn và người thân lại nắm lượng cổ phiếu chỉ hơn 13% tại Hoàng Quân Mê Kông. Với mức độ chi phối lỏng lẻo như vậy, có vẻ như ông Tuấn không lo lắng đến khả năng bị thâu tóm của Hoàng Quân.
Đáng tiếc là ông Tuấn báo bận nên không trả lời các câu hỏi xung quanh vụ bán cổ phiếu. Về vấn đề này, anh Nguyễn Phương Nam, một nhà đầu tư lâu năm, cho rằng cổ đông sáng lập thường mua thêm cổ phiếu và giữ trên mức chi phối khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. “Họ giảm tỉ lệ sở hữu về mức thấp dễ khiến nhà đầu tư lo lắng”, anh nói. Khi niêm yết vào cuối năm 2010, ông Tuấn nắm giữ trên 56% cổ phần Hoàng Quân. Nhưng từ đó ông liên tục bán ra và đến nay, tỉ lệ sở hữu còn chưa đến 1%.
Về việc bán ra của ông Tuấn, công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho rằng đây là việc khó hiểu. “Muốn cứu công ty mà bán hết cổ phiếu thì còn gì để cứu tiếp?”, TVS đặt vấn đề. Đó là chưa nói đến sự phụ thuộc quá lớn của Hoàng Quân vào các thành viên Hội đồng Quản trị (tính đến cuối năm 2013, Hoàng Quân còn vay mượn các thành viên Hội đồng Quản trị gần 222 tỷ đồng). Nếu Hội đồng Quản trị không hỗ trợ được nữa, nhất là khi ông Tuấn đã bán gần hết cổ phiếu, khả năng Hoàng Quân gặp rủi ro là có thể xảy ra.
Theo Nhịp cầu Đầu tư