TP.HCM sẽ là đô thị hiện đại ngang tầm khu vực

Thứ năm, 17/04/2014, 10:31
Sáng 14/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

lê hoàng quân

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân phát biểu chỉ đạo

Năm 2025: GDP bình quân đầu người 13.340 - 14.285 USD/người

Theo quy hoạch, quy mô dân số thành phố đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới sáu tháng). Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 10 - 10,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,5 - 10%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5 - 9%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt 4.856 - 4.967 USD/người, đến năm 2020 đạt 8.430 - 8.822 USD/người và đến năm 2025 đạt từ 13.340 - 14.285 USD/người. Hiện nay GDP bình quân đầu người của thành phố chỉ là 4.513 USD/người. GDP giai đoạn 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: dịch vụ chiếm 56,4 - 57,4%, công nghiệp - xây dựng: 41,6 - 42,6%, nông nghiệp: 0,94 - 0,96%. Đến năm 2020: dịch vụ chiếm 58,1 - 60%, công nghiệp - xây dựng: 39,1 - 41%, nông nghiệp: 0,74 - 0,78%. Đến năm 2025: dịch vụ chiếm 58,2 - 61,1%, công nghiệp - xây dựng: 38,2 - 41%, nông nghiệp: 0,61 - 0,66%. Về phát triển dịch vụ, thành phố tập trung chín nhóm ngành dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin truyền thông; kinh doanh tài sản, bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục đào tạo; phát triển trung tâm tài chính mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Về phát triển công nghiệp - xây dựng, thành phố sẽ tập trung vào những ngành, lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến lương thực thực phẩm) và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày.

Không gian đô thị phát triển theo mô hình tập trung - Đa cực

Về không gian phát triển đô thị, thành phố sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và bốn cực phát triển. Khu trung tâm thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 hécta), khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 hécta) và bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển. Theo đó, thành phố sẽ phát triển theo hai hướng chính gồm hướng đông (hành lang phát triển là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dọc tuyến xa lộ Hà Nội); hướng nam ra biển (tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ); hai hướng phụ là hướng tây - bắc (tuyến Quốc lộ 22 - xa lộ Xuyên Á) và hướng tây, tây - nam (tuyến đường Nguyễn Văn Linh).

lê hoàng quân
Đại lộ Phạm Văn Đồng mới đưa vào sử dụng

Theo quy hoạch được duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển thành phố giai đoạn từ năm 2011 - 2025 ước khoảng 9 - 10 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm từ 8 - 12%. Thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, khai thác nguồn vốn ODA.

Thành phố phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn, đường sắt đô thị, đồng thời phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu biển, đường sông.

Thành phố xây dựng hoàn thiện Trung tâm điều khiển giao thông hiện đại trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ tiên tiến nhất hiện nay về hệ thống giao thông thông minh, điều khiển giao thông từng bước lên mức tương đương các đô thị hiện đại của các nước tiên tiến, góp phần cải thiện tình hình ùn tắc giao thông, làm cho giao thông trở nên thông suốt, kéo giảm tai nạn giao thông.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đến năm 2015 đạt 8,2%, đến năm 2020 đạt 12,2%, năm 2025 đạt 16 - 20%. Mật độ đường bình quân trên diện tích tự nhiên năm 2015 đạt 1,9km/km2, năm 2020 đạt 2,2km/km2, năm 2025 đạt 4,5 - 5km/km2. Phát triển vận tải hành khách và hàng hóa theo mô hình đa phương thức. Đến năm 2015 khối lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại (trong đó xe buýt khoảng 11%), năm 2020 đáp ứng 20 - 25% (xe buýt 16%), năm 2025 đáp ứng 30% (xe buýt 21%); giảm trên 10% số vụ, người chết và bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm liền kề trước đó.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân yêu cầu các đơn vị sở ngành, quận huyện tập trung triển khai quy hoạch lần này đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng những điều Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vì vốn có hạn cho nên phải lựa chọn những lĩnh vực, công trình trọng điểm phải đem lại hiệu quả cao, mang lợi ích cho nhân dân, phát triển của thành phố chứ không vì một cá nhân, lợi ích nhóm nào cả.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cộng đồng doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận, tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Theo CA.TPHCM

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích