Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến địa phương về dự thảo Nghị định Khung giá đất. Khung giá này gồm nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Giá đất tối đa tại đô thị đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ dự kiến lên tới 162 triệu đồng, cao gấp 2,4 lần so với quy định hiện hành. Mức giá thấp nhất đối với đất ở đô thị là 40.000 đồng mỗi m2.
Như vậy, nếu khung mới được thông qua, đất "vàng" tại Hà Nội có thể được định giá lên tới hơn 160 triệu đồng mỗi m2. Đất thương mại dịch vụ đối với đô thị dao động trong khoảng 32.000 đồng đến 129,6 triệu đồng.
Khung giá đất ở tại nông thôn được đề xuất chia theo từng vùng kinh tế, từng loại xã. Trong đó, thấp nhất là xã miền núi vùng Tây Nguyên với giá tối thiểu là 15.000 đồng mỗi m2. Giá cao nhất thuộc xã vùng Đồng bằng sông Hồng với giá tối đa 29 triệu đồng.
Khung giá đất của Chính phủ được sử dụng làm căn cứ để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng bảng giá đất riêng của từng khu vực. Bảng giá đất hiện hành được ra đời dựa trên Nghị định 123 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 188/2004 ban hành năm 2007. Trong nhiều năm nay, khung này được cho rằng chưa sát với thực tế chuyển nhượng trên thị trường. Giá đất các địa phương ban hành cũng chỉ bằng 20-60% mức chuyển nhượng trên thị trường.
Do chỉ được phép tăng tối đa 20% do với khung giá Chính phủ ban hành, giá đất cao nhất của thủ đô được giữ nguyên suốt 4 năm nay. Tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) giá trần chỉ là 81 triệu đồng mỗi m2, trong khi đó giá giao dịch thực tế lên tới hàng trăm triệu đồng. Bảng giá đất do các tỉnh quy định được dùng để tính tiền sử dụng đất thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, tính lệ phí trước bạ, bồi thường...
Theo VnMedia