BĐS 2015: Lượng cầu sẽ tăng mạnh
Theo ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết, trong năm 2015, nhu cầu của người mua để ở sẽ tăng lên tương đối do rất nhiều người sau thời gian dài chờ đợi BĐS xuống giá đã thấy đây là thời điểm thích hợp để mua nhà. Những yếu tố thuận lợi như tín dụng tăng trưởng, việc vay tiền dễ hơn, lãi suất thấp hơn... giúp hỗ trợ rất nhiều cho đối tượng này. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư sẽ có nhiều cơ hội vay được tiền đồng thời bán được hàng nên “sức khỏe” tốt hơn, hoạt động tích cực hơn.
Đặc biệt, quy mô kinh tế trong những năm 2010-2014 đã tăng khoảng 30%, nếu tỷ lệ tích lũy không đổi thì độ lớn của tiết kiệm trong nền kinh tế cũng tăng tỷ lệ tương ứng. Đây là một nguồn vốn tiềm tàng đối với nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Không ít người người lâu nay vẫn tích lũy và chờ đợi sẽ tìm hướng đầu tư trong năm 2015 khi thấy nền kinh tế phục hồi.
“Dự đoán hoạt động đầu cơ BĐS sẽ tăng trưởng tương đối mạnh trong năm 2015 bởi trong giai đoạn hiện nay, BĐS vẫn là kênh đầu tư được cho là phổ biến nhất, an toàn và dễ tiếp cận nhất với phần lớn những người có tiền tích lũy từ vài trăm triệu trở lên.
Tuy nhiên, do thị trường vừa mới trải qua một giai đoạn khủng hoảng, các nhà đầu cơ đã có được nhiều bài học xương máu nên nay họ sẽ thận trọng hơn, khôn ngoan hơn. Mặt khác họ cũng có thể tiếp cận nhiều thông tin hơn và có nhiều lựa chọn hơn so với giai đoạn trước đây”, ông Trường dự báo.
Cùng quan điểm, ông Đoàn Chí Thanh, TGĐ công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho biết, hiện nay, các chính sách về tài chính cho BĐS tương đối thuận lợi, lãi suất cho vay đã giảm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm nữa trong năm 2015. Điều này sẽ giúp cho người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận dòng tài chính từ ngân hàng để sở hữu một nơi an cư.
Ngoài ra, các chính sách về luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS và luật đất đai vừa được Chính phủ thông qua sẽ dễ hơn, thoáng hơn với những người tham gia vào thị trường, đặc biệt là những người có nhu cầu ở thật. Cùng với đó, nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, lạm phát được kiềm chế tốt, tín dụng cho BĐS ở mức chấp nhận được... Tất cả những điều này sẽ tạo đà phát triển cho thị trường trong năm tới.
Đặc biệt, phân khúc nhà ở giá trung bình và giá rẻ sẽ tiếp tục là điểm sáng nhất thị trường. Lượng cầu và cung tiếp tục tăng lên và giao dịch sẽ tăng cao. Một yếu tố hỗ trợ quan trọng là tín dụng BĐS sẽ được dành nhiều cho phân khúc này. Các phân khúc khác như căn hộ cao cấp, nhà đất riêng lẻ cũng sẽ có sự tăng trưởng khá.
Trong đó, phân khúc nhà ở riêng lẻ được dự báo trong năm tới giá sẽ ổn định hơn phân khúc căn hộ trong dự án, giao dịch tăng lên, thanh khoản tốt hơn. Do sở hữu là cá nhân riêng lẻ nên phân khúc này không bị tác động trực tiếp bởi cung tín dụng cho chủ đầu tư nhưng sẽ được tác động tích cực nhờ việc các ngân hàng tăng cung tín dụng cho người mua nhà.
Trong chiến lược phát triển nhà ở đến 2020, tốc độ đô thị hóa ở mức 31% hiện nay sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2025. Như vậy, nhu cầu về nhà ở để đáp ứng cho khoảng 30 triệu dân hiện tại sẽ tăng lên khoảng 46 triệu dân đến 2025. Trong 10 năm tới, thị trường bất động sản vẫn có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030, nhu cầu nhà ở là rất lớn, trong khi đó nguồn cung trên thị trường chưa thể đáp ứng. Tổng diện tích sàn nhà ở phải tăng thêm trong giai đoạn 2009 - 2015 là 429 triệu m2. Sức cung của thị trường từ các dự án vào năm 2015 là khoảng 461.767.028m2 sàn nhà ở (ở Hà nội là 82.450.000m2, TP.HCM là 79.360.900m2).
Về tổng cung, con số đạt được là phù hợp nhưng hiện nay có sự bất hợp lý trong cấu trúc nguồn cung so với tính phù hợp của cầu. Diện tích nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở xã hội chỉ đạt khoảng 5 - 10% nhu cầu nhà ở xã hội trên thực tế. Đây chính là sự bất hợp lý giữa cung và cầu trong phát triển nhà ở tại nước ta.
Hiện tại, 40% các hộ gia đình ở đô thị có mức thu nhập dưới 8,8 triệu đồng/ tháng (tiết kiệm khoảng 400 nghìn mỗi tháng); 60% có mức thu nhập dưới 11,9 triệu đồng/tháng (tiết kiệm 1,3 triệu đồng mỗi tháng). Như vậy, nhu cầu nhà ở giá rẻ trên thực tế ở mức chiếm 30% tổng diện tích nhà phát triển mới.
Theo Kinhdoanhnet