Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho hay, qua kiểm tra thì 100% chung cư cũ lấn chiếm, cơi nới. |
Từ năm 2005 đến nay, 10 năm trôi qua, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội mới đạt tỷ lệ 1%. Nguyên nhân sâu xa được Sở Xây dựng chỉ ra, đó là sự phản đối của người dân và đòi đền bù mức cao với cả những diện tích cơi nới, lấn chiếm.
100% chung cư cũ cơi nới, lấn chiếm
Thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 15/12, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng) cho hay: Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2- 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ những năm 1980, ngoài ra có một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Riêng 4 quận nội thành cũ có 935 chung cư cũ. Cụ thể, quận Ba Đình có 189 chung cư, Hoàn Kiếm 97, Đống Đa 401 và quận Hai Bà Trưng có 248 chung cư cũ. Còn lại phân bố rải rác ở 8 quận còn lại và huyện Đông Anh, Gia Lâm.
Theo Sở Xây dựng, do sự yếu kém về quản lý nên hầu hết các khu chung cư cũ đều có việc cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất trồng, sân chung, “đeo ba lô, chuồng cọp”. Tình trạng cơi nới diễn ra phổ biến ở các chung cư cũ ảnh hưởng lớn đến việc thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, làm tăng tải trọng công trình. Qua điều tra, các khu chung cư mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Qua kiểm tra thì 100% chung cư cũ lấn chiếm, cơi nới.
Bên cạnh đó, theo Sở Xây dựng, việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã dẫn đến thấm dột khu vệ sinh, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu.Tình trạng úng ngập khu mưa bão xảy ra ở một số chung cư như khu C, khu H Kim Liên; tập thể Yên Lãng; khu C Láng Hạ, khu Minh Khai…Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đặc biệt, hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Trưởng phòng phát triển nhà Vũ Ngọc Đạm cho biết, trong năm 2014, Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Viện Khoa học công nghệ về kinh tế xây dựng Hà Nội, các chuyên gia phối hợp với các quận, huyện, thị xã, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển Nhà Hà Nội khảo sát 940/1.516 CCC tại 4 quận nội thành và Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đông Anh làm cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm định.
Theo đó, năm 2015, số chung cư cũ được đưa vào kiểm định là 42 công trình. Đây là các chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn (hơn 1%), hoặc đã được xây dựng và sử dụng từ lâu, đã hư hỏng, xuống cấp, qua kiểm tra đánh giá bằng phương pháp chuyên gia cũng xác định được mức độ hư hỏng nặng cần được kiểm định ngay để xác định những nhà nguy hiểm cần phải di dời, chống đỡ.
“Việc kiểm định 42 công trình trong kế hoạch năm 2015 để xác định các nhà nguy hiểm cấp độ D đã được hoàn thành. Song, do chưa được Thành phố phê duyệt nên thông tin cụ thể về kết quả kiểm định 42 công trình này chưa thể công bố”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: 10 năm mới được 1%. Số chung cư cũ đưa vào diện kiểm định năm 2016 là 62 công trình; năm 2017 là 75 công trình. Số chung cư cũ trước mắt chưa đưa vào kiểm định là 380 công trình. Đây là các công trình thấp tầng (2 tầng, ít hộ sử dụng), tường xây chịu lực, mái lợp ngói, phần lớn các kết cấu đỡ mái bằng gỗ đã mối, mọt, mục, nát, cần sửa chữa, thay thế đảm bảo an toàn.
10 năm mới cải tạo được 1%
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng thông tin, từ năm 2005 đến nay Hà Nội mới thực hiện cải tạo được khoảng 14 chung cư cũ, tỷ lệ chỉ đạt khoảng 1%, rất thấp.
Lý giải nguyên nhân cải tạo, xây dựng chung cư cũ còn quá chậm, “ì ạch”, ông Dũng cho biết nguyên nhân lớn nhất là sự phản đối của người dân. Trong khi người dân từ tầng 2 trở lên cơ bản đồng thuận xây dựng lại chung cư cũ thì những hộ ở tầng 1 lại không đồng thuận vì họ đã quen với việc vừa tận dụng diện tích này để vừa sinh sống, vừa kinh doanh, trong khi theo quy định mới thì nếu xây nhà cao tầng thì tầng 1 không được ở nữa.
Mặt khác, một điểm vướng cũng được ông Dũng nêu ra đó là những diện tích lấn chiếm, cơi nới người dân lại đòi đền bù ở mức rất cao, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Trong khi nguyên tắc cơ bản trong quá trình thực hiện là phải tự cân đối tài chính của dự án, người dân cũng cần đóng góp để xây dựng lại nhà ở của chính mình.
Trước vấn đề này, ông Dũng cho rằng, Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ sẽ là giải pháp giúp tiến độ cải tạo chung cư cũ được thực hiện nhanh hơn.
Liên quan đến chiều cao tòa nhà, Chính phủ đã đồng thuận với Hà Nội và đã đưa vào Nghị định về việc sẽ xem xét từng khu, sau đó báo cáo Thủ tướng sẽ xem xét. Giải pháp khác là có thể quy hoạch lại các khu chung cư cũ, không làm như cũ là cứ phá công trình nào đi thì lại xây dựng lại đúng chỗ đó, như thế càng tăng áp lực về hạ tầng, tắc đường, thiếu trường, thiếu chợ…
Bên cạnh đó, trước đây việc xây lại chung cư cũ không được thực hiện cưỡng chế thì Nghị định 101 của Chính phủ sẽ cho phép thực hiện cưỡng chế nếu sau khi có quy hoạch, người dân và chủ đầu tư không thỏa thuận được.
Theo Infonet