Theo một số nguồn tin đáng tin cậy thân cận với cuộc đấu giá mua 52,4% cổ phần tại khách sạn Kim Liên cho biết, nhiều khả năng người đã thắng cuộc bỏ ra 1000 tỷ để mua chính là Thai Group của bầu Thụy. Mức giá này gấp khoảng 9 lần mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.
Theo bản đăng ký đấu giá, Thaigroup có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Thaigroup – tiền thân là Công ty cổ phần Xuân Thành Group – doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của Bầu Thụy – ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch HĐQT công ty.
Xuân Thành Group được đổi tên thành Tập đoàn Thaigroup từ tháng 5/2015. Hiện nay tập đoàn này đang đầu tư xây dựng vào nhà máy xi măng Thạnh Mỹ tại Quảng Nam, quy hoạch khu tái định cư hạ tầng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh), đầu tư cảng số 4 ở Vũng Áng, đầu tư hạ tầng dự án thành phố sinh thái Nam Hội An từ bờ sông Thu Bồn đến khu kinh tế mở Chu Lai quy mô tới 4.000ha theo chiến lược dài hạn 10-15 năm, và đầu tư một khu resort 200ha tại Ba Vì (Hà Nội).
Với bầu Thụy thì đã thành danh từ lâu, đại gia này khá nổi tiếng với thú chơi bóng đá hay siêu xe, ông cũng đã thử sức với chứng khoán và bảo hiểm. Đã từng có thông tin cho rằng ông đã “ném” vào bóng đá cả trăm tỷ đồng; Hay đã từng sở hữu những siêu xe sang trọng nhất Việt Nam như chiếc phantom đầu tiên tại Ninh Bình, 3 Rolls Royce Ghost và 1 Maybach 62s và các loại Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Range Rover, Lexus Ls600hl, Lx570, X5 4.8,...
Ở thời điểm thị trường chứng khoán còn thịnh, bầu Thụy còn sở hữu hẳn một công ty chứng khoán và đã từng lọt vào TOP 50 người giàu nhất trên thị trường. Tuy nhiên, sau đó ông đã bán công ty chứng khoán này cho một đối tác khác.
Thông tin bầu Thụy tham gia vào khu đất vàng Khách sạn Kim Liên được xem là một tín hiệu cho thấy đại gia này đang dần lấn sân sang bất động sản mạnh mẽ hơn, sau dự án resort ở Ba Vì, Hà Nội.
Còn về khu đất vàng khách sạn Kim Liên tại số 5-7 Đào Duy Anh, hiện đang có 9 toà nhà, 437 phòng khách sạn và 5 nhà hàng được xây dựng trên diện tích 3,5ha. Khu đất nằm mặt tiền tuyến phố lớn trung tâm Thủ đô là Đào Duy Anh. Đơn vị chủ quản là CTCP Du lịch Kim Liên đã thuê đất từ năm 1993 với thời hạn 50 năm, tiền thuê đất trả tiền hàng năm.
Vì thế, nhiều đại gia bất động sản rất muốn có khu đất để phát triển dự án. Trước đây khi có động thái muốn thoái vốn của SCIC đã có nhiều thông tin cho rằng khá nhiều đại gia địa ốc đã tìm đến thỏa thuận mua lại số cổ phần này.
Tuy nhiên, SCIC đã chọn cách đấu giá công khai cả lô cổ phần này. Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, cổ phần Khách sạn Kim Liên hấp dẫn bởi khu đất vàng, chứ nhìn vào kết quả kinh doanh của công ty với lợi nhuận bình quân khoảng gần 10% doanh thu (khoảng 120 tỷ mỗi năm). Cổ tức bình quân ở mức khoảng 15%. Thì cổ phần công ty cũng ở mức bình thường.
Phiên đấu giá đã diễn ra khá sôi động với sự tham gia của 19 tổ chức và 17 cá nhân vào sáng 22/12/2015 tại Sở GDCK Hà Nội. Đã có nhiều mức giá được đưa ra để mua lô cổ phần này, kết quả cuối cùng cho thấy 3 mức giá đấu cao nhất lần lượt là 274,200 đồng/cp-tương ứng tổng giá trị hơn 1000 tỷ, mức giá xếp thứ 2 là 170.000 đồng/cp –tương ứng gần 620 tỷ, mức giá cao thứ 3 là 156.000 đồng/cp-tương ứng là gần 569 tỷ.
Những ứng cử viên nặng ký đã tham gia cuộc đấu giá này có thể kể tới như Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Công ty CP Tập đoàn Thaigroup, CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung,…hay một số công ty BĐS khác như Văn Phú Invest, GP Invest.
Ngày sau khi kết thúc phiên đấu giá, HNX đã thông báo kết quả, người thắng cuộc là một nhà đầu tư tổ chức, giá đấu cao nhất 274.200 đồng/cp tương đương tổng giá trị 1.000 tỷ.
Có khả năng Thaigroup sẽ thay SCIC trong cơ cấu cổ đông của Khách sạn Kim Liên |
Theo Tri Thức Trẻ