Giá nào cho chiến thắng?
Ngày mai, phiên đấu giá trọn lô 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% vốn tại Công ty Du lịch Kim Liên do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ sẽ diễn ra. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có 36 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 19 tổ chức và 17 cá nhân chào mua tổng cộng 131.307.588 cổ phần, gấp 40 lần số cổ phần chào bán.
Thống kê của Báo Đầu tư cho thấy, cuộc đua lần này có sự tham gia của nhiều đại gia tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn - du lịch và các doanh nghiệp lớn như Văn Phú Invest, GP Invest, Thaigroup (tiền thân là Xuân Thành Group), CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành, Hải Phát Thủ đô, Hanoitourist, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), CTCP Cơ điện lạnh (REE)…
Câu chuyện thâu tóm khu đất vàng Khách sạn Kim Liên không đơn giản chỉ là chiến thắng trong cuộc đấu giá. |
Với giá khởi điểm là 30.600 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị tối thiểu mà nhà đầu tư muốn sở hữu trọn lô cổ phần trên là 112 tỷ đồng, tiền đặt cọc là 11,2 tỷ đồng, phiên đấu giá này đòi hỏi các nhà đầu tư phải thật sự có tiềm lực tài chính mạnh.
Cuộc đua mua lại Khách sạn Kim Liên nóng ngay từ khi SCIC thông báo sẽ thoái vốn tại công ty này, bởi Công ty Du lịch Kim Liên đang trực tiếp quản lý Khách sạn Kim Liên - tọa lạc tại vị trí đắc địa trên khu đất 3,5 ha ở phố Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội).
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động của Công ty cũng khá ổn định, các chỉ tiêu tài chính trong năm 2013 và 2014 như lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,13 và 0,12, lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) đạt 0,16 và 0,15; duy trì cổ tức hàng năm ở mức 16 - 17%. Đơn vị tư vấn đợt chào bán là CTCP Chứng khoán Phố Wall cho biết, năm 2015, Công ty Du lịch Kim Liên ước đạt doanh thu 122,7 tỷ đồng, lợi nhuận 13,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Thắng, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Phố Wall, mức giá đấu thành công chắc chắn trên 100.000 đồng/cổ phần, tức cao gấp hơn 3 lần giá chào bán của SCIC.
Miếng bánh không dễ xơi
Là sự kiện thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và nhà đầu tư, nhưng ít ai để ý, phiên đấu giá lần này của SCIC không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những đại gia đã thành công trong các thương vụ IPO năm 2015 liên quan tới đất vàng.
Lý giải với Báo, ông Nguyễn Viết Thắng cho rằng, các nhà đầu tư này có “khẩu vị” riêng. Có thể thấy, họ thường nhắm vào các doanh nghiệp sắp cổ phần hóa và nắm cổ phần chi phối ngay từ đầu với mức giá sát với giá IPO. Đối với nhà đầu tư ngoại, ngoài việc hạn chế về room sở hữu thì “nhiều nhà đầu tư không chấp nhận mức giá quá cao, vượt định giá của họ”, ông Thắng nhận xét.
“Các nhà đầu tư tham gia đấu giá đều đã nghiên cứu và có chiến lược riêng, nhưng cũng không loại trừ khả năng một số nhà đầu tư muốn mua bằng được, do bị cuốn vào tâm lý đám đông”, ông Thắng nhận định.
Có thể thấy, sự bất ngờ của phiên đấu giá này diễn ra đến những phút cuối cùng khi GP Invest cũng đã có tên trong danh sách. Lý do mà GP Invest không thể đứng ngoài có lẽ bởi GP Invest hiện là cổ đông sở hữu 6,62% cổ phần của Khách sạn Kim Liên.
Tuy nhiên, dù GP Invest hay bất cứ nhà đầu tư nào sẽ sở hữu được số cổ phần đấu giá lần này thì đó mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình khai thác khu đất vàng.
Với cơ cấu cổ đông khá phức tạp, trong đó, ngoài SCIC, còn có 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn tại Khách sạn Kim Liên là GP Bank, GP Invest và Công ty Tài chính Bưu điện. Sau khi GP Bank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, quyền quản lý 26,89% cổ phần tại Khách sạn Kim Liên đã được chuyển giao cho VietinBank.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhà đất cho biết, khu đất này nằm trong quy định giới hạn chiều cao xây dựng.
Do đó, nhà đầu tư chiến thắng trong phiên đấu giá ngày 22/12 sẽ còn trải qua 2 “cửa ải” nữa để có thể khai thác và phát huy tiềm năng từ khu đất vàng trên, đó là thương lượng với các cổ đông hiện tại của Khách sạn Kim Liên cũng như được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Dự án.
Theo Báo Đầu Tư