Hãy xem công nghệ sẽ tác động tới thị trường bất động sản như thế nào?

Thứ ba, 31/05/2016, 08:55
Thông qua nhiều cách thức khác nhau, công nghệ mới sẽ giúp mọi người vượt qua giới hạn hiện tại và đạt được hiệu quả cao hơn. Tác động đối với bất động sản, cơ sở hạ tầng cũng thường tích cực và biến đổi liên tục.
Thông qua nhiều cách thức khác nhau, công nghệ mới sẽ giúp mọi người vượt qua giới hạn hiện tại và đạt được hiệu quả cao hơn (ảnh minh hoạ).

Theo một báo cáo mới từ Công ty tư vấn bất động sản JLL, các quốc gia Đông Nam Á có tiềm năng phát triển vượt trội hơn các quốc gia đang phát triển khác nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến để thay đổi cách thức làm việc, lối sống và giải trí.

Hướng đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sắp tới diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 1 - 2/6, JLL đã đưa ra bản báo cáo về tác động của công nghệ kỹ thuật số hiện đại đối với các quốc gia thuộc cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) mới thành lập, là khối thương mại của mười quốc gia Đông Nam Á.

Chris Fossick, Giám đốc điều hành JLL Singapore và Đông Nam Á chia sẻ: “Thông qua nhiều cách thức khác nhau, công nghệ mới sẽ giúp mọi người vượt qua giới hạn hiện tại và đạt được hiệu quả cao hơn. Tác động đối với bất động sản và cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á thường tích cực và biến đổi liên tục. Nếu được khai thác hiệu quả, sự thay đổi này sẽ giúp người dân cải thiện năng suất, mức thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Kinh tế các quốc gia Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5% mỗi năm đến năm 2020, vượt mức tăng trưởng toàn cầu là 3,5%. Dân số thành thị tại các thành phố Đông Nam Á tăng khoảng 2,2% mỗi năm và dân số có mức thu nhập trung bình được tính toán sẽ tăng từ 70 triệu lên 194 triệu vào năm 2020

Cách thức làm việc mới

Trong lĩnh vực công việc, nhu cầu về diện tích văn phòng sẽ thay đổi nhờ nguồn lực bên ngoài từ các thị trường phát triển, phương thức làm việc linh hoạt hơn, và sự gia tăng trong mô hình không gian làm việc chia sẻ (co-sharing space).

Regina Lim, Giám đốc, Bộ phận tư vấn và nghiên cứu, Thị trường vốn JLL và là tác giả của báo cáo cho biết: “Trong khi nhu cầu về văn phòng làm việc giảm đi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu thì khu vực Đông Nam Á có xu hướng ngược lại, với nhu cầu ước tính tăng 6% mỗi năm đến năm 2020 nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế, sự gia tăng nguồn lực từ các thị trường phát triển, và sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Đặc biệt, chúng tôi cho rằng nhu cầu về văn phòng làm việc sẽ tăng mạnh tại Manila và Kuala Lumpur”.

Báo cáo cho thấy những khách thuê truyền thống có thể sẽ mở đường cho mô hình làm việc mới.

“Mặc dù tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ loại bỏ một số công việc nhưng nhiều công việc mới lại có thể được tạo ra. Việc áp dụng mô hình diện tích văn phòng linh hoạt sẽ tiếp tục tăng và đến năm 2030, không gian làm việc chia sẻ có thể chiếm 10% đến 15% thị phần diện tích văn phòng tại Đông Nam Á, so với hiện tại là 1% đến 5%,” bà Lim giải thích.

Gia tăng mua hàng qua điện thoại

Mặc dù tỷ lệ sở hữu máy tính và kết nối Internet khá thấp nhưng mức độ thâm nhập của mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á cao hơn các thị trường phát triển khác như US và UK. Thực tế, 50 đến 80% người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á sống tại các thành phố vùng ven không sử dụng máy tính nhưng sử dụng điện thoại di động để mua hàng trực tuyến.

Nhưng thay vì phủ nhận vai trò của các cửa hàng truyền thống, nghiên cứu của JLL cho rằng, nó sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ trực tuyến mở rộng thành các cửa hàng bởi vì nhiều người tiêu dùng lựa chọn cách mua hàng “nhấp chuột và chọn mua” sau đó kiểm tra sản phẩm tại cửa hàng.

Thay đổi trong thói quen thuê nhà

Về chỗ ở, những trang web cho phép chia sẻ nhà ở như Airbnb và Homeaway sẽ có tác động đối với cả bất động sản nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng ở Đông Nam Á. Những trang web này giúp nâng cao hiệu quả hoạt động các bất động sản, tăng khả năng lấp đầy diện tích còn trống tương tự mô hình bất động sản nghỉ dưỡng. Vì vậy sẽ có sự sụt giảm về số lượng phòng khách sạn và căn hộ chung cư cần thiết để đáp ứng nhu cầu lưu trú cho cùng lượng khách du lịch.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự hợp nhất và khuếch đại của những đột phá trong công nghệ nổi lên nhờ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và robot, phát triển bởi kết nối rộng rãi giữa hàng tỷ người sử dụng thiết bị di động với cách tiếp cận thông tin và kiến thức chưa từng có trước đây.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích