Sự cố ồn ào từ chung cư Harmona và Bảy Hiền Tower (đều thuộc địa bàn quận Tân Bình) trong 2 tháng qua đã khiến cộng đồng khách hàng mua nhà chung cư, giới đầu tư căn hộ bức xúc lẫn hoang mang. Điều gây quan ngại cho thị trường là đây không phải 2 trường hợp cá biệt vì trước đó đã có khá nhiều dự án vướng hàng loạt sai phạm.
Anh Tuân, một nhà đầu tư chuyên buôn và môi giới chung cư tại TP.HCM chia sẻ: "Chưa bao giờ áp lực cho thị trường chung cư lại lớn như hiện nay. Một tháng qua, khách hàng của tôi liên tục hoài nghi căn nhà họ đã và đang mua có pháp lý ổn không, có bị đem đi thế chấp hay không và bao giờ có sổ hồng".
Anh Tuân cho hay, những băn khoăn, lo ngại này bình thường vẫn xuất hiện nhưng kể từ khi sự cố chung cư Harmona bị cầm nhà 2 lần và Bảy Hiền Tower xây sai phép, các giao dịch mất nhiều tuần liền mới đi đến thành công. Nhà đầu tư này giải thích, hiện nay để củng cố niềm tin cho khách hàng và chốt giao dịch phải qua rất nhiều khâu trình bày các thủ tục pháp lý cũng như cam kết bằng văn bản. Điều này cũng làm chậm quá trình mua bán.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản đã triển khai được 5 dự án tại khu Nam TP.HCM, Tân Bình, Tân Phú tiết lộ: "Khi vụ Harmona và chung cư Bảy Hiền nổ ra, chúng tôi còn nhận án oan từ một số nhóm khách hàng cho rằng dự án xây dựng không phép. Chúng tôi phải xuất trình các chứng từ pháp lý thì khách hàng mới giảm bớt lo âu".
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận xét: "Chưa bao giờ người mua nhà chịu nhiều rủi ro, có thể mất nhà bất cứ lúc nào như hiện nay".
Ông Tín phân tích, dự án chung cư The Harmona dấy lên một thông tin, dấu hiệu cho chúng ta thấy một dự án thế chấp đến 3 lần. Chủ đầu tư thế chấp, sau đó lại thế chấp bảo lãnh cho một công ty khác, lần thứ 3 là cho khách hàng đem thế chấp chính căn hộ đó. Điều này gây rủi ro cho khách hàng và cả thị trường.
Rủi ro thứ 2 như dự án Bảy Hiền Tower mặc dù chưa nghiệm thu nhưng vẫn đưa dân vào ở. Dự án chưa hoàn thiện nhưng làm sao vào ở được để rồi cơ quan chức năng phải cúp điện, nước... để xử lý sai phạm. Hay như chung cư The Rubyland ngân hàng đã phát mãi tài sản thế chấp. Hệ thống pháp luật có vẻ đầy đủ nhưng lỗ hổng từ phía chủ đầu tư, ngân hàng dẫn đến khách hàng phải chịu thiệt thòi.
Giữa tháng 6, tại hội thảo Bảo vệ quyền lợi người mua nhà do báo Thanh Niên tổ chức, ông Ngô Đình Quang Vũ, một người dân đã cướp diễn đàn để bày tỏ bức xúc khi mua dự án Sài Gòn Mới tại huyện Nhà Bè 5 năm chưa có sổ đỏ. Ông Vũ cho hay, các doanh nghiệp bất động sản luôn đưa ra những điều khoản có lợi cho họ. Mua nhà riêng lẻ, nhà phố không bị lừa đảo vì hai bên ra công chứng, còn mua dự án thì rất dễ bị lừa.
Ông Vũ chất vấn: "Nhà nước quản lý thế nào? Khi vụ việc đổ bể thì mới phát hiện ra một căn nhà bán cho nhiều người. Người dân sẽ kiện ai? Mua căn hộ làm sao biết chủ đầu tư thế chấp mấy lần, làm sao quản lý được tiến độ dự án, khi nào có sổ đỏ".