Nhận được nhà vẫn chưa yên
Nhận căn hộ hơn 3 năm, bỗng dưng ngân hàng ra thông báo đòi siết nợ. Câu chuyện chưa có tiền lệ diễn ra tại chung cư The Harmona khiến cư dân tại đây như “ngồi trên lửa”.
Được biết, CTCP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình, chủ đầu tư, đã thế chấp dự án The Harmona cho ngân hàng, nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay của CTCP Thanh Niên (Thanh Nien Corp). Hiện khoản nợ vay nói trên đã quá hạn nhưng vẫn chưa thanh toán hết.
Nhiều dự án vội vàng bàn giao nhà khi thi công còn ngổn ngang |
Vụ việc tạm lắng xuống khi Thanh Nien Corp cam kết sẽ tất toán toàn bộ khoản vay tại ngân hàng trước ngày 15/6/2016, để giải chấp dự án và làm sổ hồng cho cư dân.
Chỉ vài ngày sau vụ The Harmona, việc chung cư Bảy Hiền Tower bị cắt điện, nước khi đã bàn giao căn hộ, cũng nóng không kém. Chung cư này trước đó nhiều lần “thay tên đổi họ” và chậm tiến độ 2 năm nay.
Theo Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, chung cư Bảy Hiền Tower đã xây dựng sai phép so với thiết kế được duyệt, chưa hoàn thành hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, thang máy chỉ mới lắp ráp tạm, hệ thống hạ tầng chưa làm xong...
Do dự án chưa hoàn thành nên chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cơ quan chức năng phải cưỡng chế bằng cách cắt điện, nước, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ phần xây dựng sai thiết kế.
Không chỉ có Bảy Hiền Tower, nhiều chung cư khác cũng bàn giao nhà cho khách hàng trong tình trạng chưa hoàn thiện đồng bộ. Điển hình có thể nói đến các chung cư Phú Hưng Phát (Q.Gò Vấp), HQC Plaza (Bình Chánh), First Home Thạnh Lộc (Q.12), The Easter City (Bình Chánh)…
Ai bảo vệ người mua nhà?
Thiếu kinh nghiệm mua nhà, thị trường thiếu minh bạch… là những nguyên nhân khiến người dân bỗng dưng gánh tai họa. Trường hợp như The Harmona, nếu chủ đầu tư không giải chấp được dự án thì liệu dân có mất nhà? Đây chính là điều lo lắng của hàng vạn người mua nhà hình thành trong tương lai.
Luật sư Nguyễn Phi Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, trong vụ việc này, phía chủ đầu tư có dấu hiệu tội “lừa đảo” khi mang tài sản đang thế chấp tại ngân hàng bán cho khách hàng. Vì dự án đã thế chấp tại ngân hàng cho nên đến thời điểm này, chủ đầu tư không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chủ quyền sở hữu cho các cư dân. Việc này chỉ thực hiện được khi chủ đầu tư giải chấp tài sản…
“Người mua nhà không biết dự án đã thế chấp hay chưa. Họ không có lỗi, do đó khi có tranh chấp xảy ra, nếu có ra tòa thì luật pháp luôn bảo vệ người mua ngay tình. Chủ đầu tư và ngân hàng phải tìm phương án khác để đảm bảo quyền lợi người dân. Rất khó xảy ra chuyện ngân hàng thu lại nhà đã bán cho dân” - Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT&Partners, nhận định.
Cũng theo Luật sư Trần Thái Bình, Luật kinh doanh Bất động sản hiện hành bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh, khi bán nhà hình thành trong tương lai. Đây là quy định chặt chẽ giúp bảo vệ người mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao nhà. Ngân hàng bảo lãnh cũng đồng thời là bên cho vay dự án sẽ giải chấp từng phần, tránh trường hợp bán nhà đang thế chấp.
Dù quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người mua nhà đã cải thiện nhưng theo ông Trần Minh Nhật, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Thời Đại,việc chọn chủ đầu tư có uy tín, năng lực vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo quyền lợi về sau. Khi đã xảy ra tranh chấp “chưa đòi được vạ thì má đã sưng”, nên tránh những chủ đầu tư tai tiếng vẫn là cách tốt nhất.
Theo VietnamNet