Hiện giờ, khi giá nhà tại các thành phố lớn ở Trung Quốc tăng mạnh trở lại, những cái giá đấu thầu đất trên trời cũng xuất hiện theo.
Ngày 8/6, Logan Property Holdings chấp thuận chi 14,1 tỷ NDT (2,14 tỷ USD) cho một miếng đất ở Quang Minh (Thâm Quyến). Đây là mức giá cao nhất tại thành phố này. Dù vậy, Logan cho rằng họ không trả quá cao, và gọi đây là mức giá "tương đối hợp lý" khi thị trường đang nóng.
Giá đất tăng cao là thách thức với Chính phủ Trung Quốc khi họ đang cố ngăn bong bóng bất động sản. Giá nhà trung bình tại 70 thành phố nước này đã tăng 5% hồi tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp số liệu này đi lên. Ở các thành phố hạng nhất, mức tăng còn lên tới 19-53%. Còn với đất, giá không chỉ tăng vọt ở các thành phố lớn - Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh, mà còn ở các thành phố nhỏ, như Hàng Châu, Hợp Phì và Trịnh Châu.
Cả giá nhà và đất tại Trung Quốc đều đang tăng vọt. |
Quan chức Trung Quốc đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi kiềm chế giá đất. Đây là tài sản thế chấp phổ biến. Vì thế, giá đất giảm có thể gây vỡ nợ hàng loạt, tạo ra nợ xấu và tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Nhưng mặt khác, giá đất tăng cao sẽ khiến người thường Trung Quốc khó mua nhà.
Tại Tô Châu và Nam Kinh, cuộc chiến đấu thầu mua đất đã khiến giới chức phải đặt trần giá. Vì thế, các công ty bất động sản giờ chuyển sang cạnh tranh bằng số lượng.
Đây là một trò chơi nguy hiểm, vì giá đất nhiều khi còn cao hơn cả giá căn nhà được xây trên nó. "Trong một số trường hợp, giá bột còn đắt hơn giá bánh mỳ nữa", Chen Sheng - một nhà phân tích tại Viện Dữ liệu Bất động sản Trung Quốc ví von.
Một mối lo ngại nữa là các công ty tài chính có ít kinh nghiệm về xây dựng lại coi bất động sản là cơ hội để đầu cơ. Sau khi thắng thầu, những công ty tài chính có khả năng tiếp cận vốn giá rẻ có thể nộp hồ sơ xin vay, với mảnh đất làm tài sản thế chấp. Sau đó, họ sử dụng nó để gia hạn khoản vay xây dựng khác có lãi suất cao hơn cho bên thứ ba - thường là một công ty bất động sản.
Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc đang tìm cách kiềm chế cuộc chiến đấu thầu. Thông điệp của họ là: "Đừng mù quáng thổi giá đất". Nhưng đây là công việc rất khó khăn. "Họ chẳng còn mấy biện pháp để hạ nhiệt thị trường đất đâu", Nicole Wong - nhà phân tích tại hãng tư vấn CLSA cho biết.
Các nhà phân tích cho biết giá đất cao đang ăn mòn lợi nhuận của các hãng bất động sản. Nhưng các công ty thì khẳng định họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua thêm đất tại các thành phố có dấu hiệu tăng trưởng.
Cinda Real Estate đã gom được 5 lô đất ở Thượng Hải, Hàng Châu và Thâm Quyến từ tháng 11 năm ngoái, với tổng giá trị 31,8 tỷ NDT. Chỉ trong 5 ngày, Cinda đã đánh bại hơn 20 đối thủ khác để lấy 2 lô đất ở Hàng Châu và Thượng Hải với tổng giá trị 18,1 tỷ NDT.
"Đây chỉ là hoạt động kinh doanh bình thường thôi mà. Mọi người cứ quan trọng hóa nó lên làm gì", một lãnh đạo Cinda cho biết.
Vài tuần gần đây, hãng bất động sản Thượng Hải - China Jinmao Holdings Group cũng mua 4 lô đất tại Hàng Châu, Thâm Quyến và Nam Kinh. Moody’s Investors Service ước tính Jinmao đã chi khoảng 15 tỷ NDT cho các dự án này, tương đương 11% tổng tài sản công ty cuối năm 2015. Họ cảnh báo việc này có thể làm yếu thanh khoản, và chi phí cao sẽ ăn mòn lợi nhuận.
Jinmao thì vẫn tự tin vào tình hình tài chính và cho rằng việc mua đất không gây quá nhiều áp lực lên bảng cân đối kế toán của họ. Trong một báo cáo, họ cho biết thương vụ tại Thâm Quyến là "một bước đi chiến lược". "Chúng tôi luôn duy trì quan điểm thận trọng với tất cả vụ mua đất", Jinmao cho biết.
Theo VNE