Đánh thuế sở hữu nhà thứ 2 trở lên: Có ngăn được đầu cơ, bỏ hoang?

Thứ ba, 08/11/2016, 08:43
Thông tin việc đánh thuế sở hữu nhà thứ hai trở lên vào năm 2017 khiến người dân lo lắng. Bộ Tài chính cho rằng, cách tính thuế và lộ trình đánh thuế thế nào vẫn đang nằm ở khâu nghiên cứu, nhưng nếu áp dụng được sẽ ngăn chặn việc đầu cơ và bỏ hoang biệt thự, cao ốc.

Đánh thuế nhà sẽ ngăn được tình trạng biệt thự, chung cư  bỏ hoang?.

Từng bị bác bỏ, phản đối

Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) xác nhận, cơ quan chức năng mới đang nghiên cứu và chưa đưa ra cách tính thuế cụ thể nào với người sở hữu nhà thứ 2 trở lên.

Tuy nhiên, ông Thi cho biết, trước đó, năm 2009, việc thu thuế với nhà đã được trình ra Quốc hội nhưng chưa thông qua. Thời điểm đó, Quốc hội chỉ quyết định thông qua việc thu với đất phi nông nghiệp và có hiệu lực từ năm 2012. Cụ thể, trong tờ trình dự án Luật Thuế, nhà đất (ngày 17/9/2009), Bộ Tài chính quy định, giá tính thuế nhà ở được xác định bằng diện tích nhà ở chịu thuế nhân với giá của 1m2 nhà ở. Dự thảo luật còn quy định trường hợp sở hữu nhiều nhà ở thì giá tính thuế là tổng giá trị các nhà ở chịu thuế. Theo đó, có 3 phương án tính thuế nhà được đưa ra.

Phương án 1: Áp dụng một mức thuế suất 0,03% đối với các loại nhà ở có giá tính thuế từ trên 500 triệu đồng, nghĩa là nhà ở có giá tính thuế từ 500 triệu đồng trở lên sẽ tính thuế trên toàn bộ giá trị của nhà ở (thuế tính cho cả giá trị 500 triệu đồng). Phương án 2: Toàn bộ nhà ở cấp 4 trở xuống không thu thuế. Các loại nhà ở khác áp dụng thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần cho 0,03% diện tích trên 120m2. Phương án 3: Áp dụng thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần cho 0,03% phần trên 500 triệu đồng.

Năm 2012, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo: “Khai thác nguồn lực tài chính đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020”. Theo đó, nội dung cơ bản được Bộ Tài chính đề xuất thực hiện là đánh thuế đối với tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, bổ sung đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng để khuyến khích người sử dụng đất có biện pháp sử dụng hiệu quả. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển dịch cho người có nhu cầu.

Thời điểm đó, dù chưa biết cách tính thuế cụ thể của Bộ Tài chính thế nào, nhưng dự thảo này tiếp tục nhận được phản đối của dư luận vì thị trường bất động sản đóng băng, việc tính thuế nhà sẽ làm thị trường thêm khó khăn.

Tính thuế ra sao để ngăn đầu cơ, bỏ hoang?

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng, các nước trên thế giới đã áp dụng việc đánh thuế nhà từ lâu. Tại Đài Loan, mức thuế lại phân chia đối với từng phân khúc bất động sản. Cụ thể, sẽ đánh thuế 1,2% - 2,0% đối với nhà chung cư, khoảng 1,4% đối với nhà riêng (biệt thự); 3,0% - 5,0% đối với nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại. Singapore là một trong những quốc gia đánh thuế suất cho bất động sản thứ 2 cao nhất, thuế tài sản phụ trội được áp rất cao trên bất động sản thứ hai, lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với bất động sản thứ ba, áp dụng từ năm 2013.

Theo ông Hưng, việc tính thuế ra sao và cách đánh thuế thế nào cần phải có thời gian để đưa ra các phương án cụ thể. Mục tiêu của việc đánh thuế nhằm ngăn chặn việc đầu cơ và bỏ hoang biệt thự, dự án. Ngoài ra, việc tính thuế cũng phải theo từng khu vực, vùng miền, từng loại nhà khác nhau (nhà mới xây, nhà cũ…). Thậm chí, việc miễn giảm đối tượng chịu thuế nhà cũng được tính đến. “Đây là giải pháp lâu dài trong vòng 4 – 5 năm tới”, ông Hưng nói.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Tài chính liên quan đến việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu kiến nghị, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư; nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng; nhà cấp 4 trở xuống; Không thu thuế này đối với các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP.HCM dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200m2; Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân; Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản; Cần hoàn thành nhanh việc cấp sổ đỏ cho các bất động sản nhà ở.

Đặc biệt, ông Châu cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực, nhất là phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở.

Ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, việc đánh thuế mất nhiều thời gian để xây dựng Luật Thuế và áp dụng vào trong cuộc sống. Vì vậy, cơ quan chức năng nên xem xét thu phí thay vì đánh thuế. Chuyển sang thu phí là quyền của Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, nên sẽ nhanh hơn.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn