Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đi vào hoạt động năm 2003 trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu đô thị - thương mại - khu công nghiệp - du lịch đa năng.
Chủ tịch HĐQT của KBC là ông Đặng Thành Tâm - đại gia một thời trên sàn chứng khoán. Năm 2007, khi KBC và ITA (cổ phiếu Công ty Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo) lên sàn, ông Tâm trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi các doanh nghiệp bất động sản khác lựa chọn phân khúc căn hộ, trung tâm thương mại, du lịch... thì Kinh Bắc đi theo hướng bất động sản công nghiệp.
Kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán năm 2007, Kinh Bắc liên tiếp công bố triển khai hàng loạt dự án giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2011, doanh nghiệp này đã đầu tư các dự án với giá trị lớn như KCN Quế Võ tổng đầu tư hơn 200 tỷ đồng, dự án KCN Tân Phú Trung với tổng vốn đầu tư 2.547 tỷ đồng, KCN Quang Châu (346 tỷ đồng), KCN Tràng Duệ (367 tỷ đồng)...
Cũng tại năm này, Kinh Bắc công bố rót gần 2.000 tỷ đồng vào dự án KCN và Khu đô thị Tràng Cát tại Hải Phòng.
Trong nhiều dự án công ty công bố triển khai, chỉ có vài dự án nhà ở như khu đô thị Phúc Ninh, một phần dự án Tràng Cát hay khu nhà thu nhập thấp… với tổng vốn đầu tư chưa tới 100 tỷ đồng.
Một số dự án bất động sản mà Kinh Bắc triển khai tại năm 2011. Đồ họa: Quang Thắng. |
Nhiều dự án khu công nghiệp của Kinh Bắc vẫn tiếp tục được triển khai và mở rộng với vốn đầu tư ngày càng lớn, như KCN và khu đô thị Tràng Cát (đến hết năm 2016 giá trị đầu tư hơn 3.545 tỷ đồng); KCN Tân Phú Trung (trị giá 2.560 tỷ đồng) hay dự án KCN và đô thị Quang Châu, KCN Quế Võ mở rộng… với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp không ghi nhận lợi nhuận đột biến, nhưng kết quả kinh hàng năm của Kinh Bắc vẫn tăng trưởng đều đặn. Năm 2016, công ty ghi nhận khoản doanh thu tăng mạnh 37% so với cùng kỳ, đạt 1.972 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính của Kinh Bắc lại chỉ bằng 1/8 so với năm 2015, nên kết quả cả năm 2016 doanh nghiệp ghi nhận 921 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 26%.
Sau khi trừ thuế và các khoản phải nộp khác, lãi ròng của doanh nghiệp đạt 711 tỷ đồng lãi ròng, tăng 18% so với năm trước.
Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc từ năm 2012 đến nay. Đồ họa: Quang Thắng. |
Hiện tại, trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu KBC của Kinh Bắc được giao dịch quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu, tăng 2.000 đồng so với đầu năm 2016. Đây cũng là một trong 5 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán, với giá trị gần 7.000 tỷ đồng.
Với thời gian quay vòng dự án khu công nghiệp rất lâu, trong khi giá trị hàng tồn kho chính là các chi phí dự án và xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí lãi vay vốn và các chi phí phát sinh trong quá trình triển khai... nên trong nhiều năm, hàng tồn kho của Kinh Bắc liên tục tăng nhanh với giá trị rất lớn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, khối lượng hàng tồn kho của Kinh Bắc lên tới 8.244 tỷ đồng, chỉ giảm 120 tỷ đồng so với năm 2015.
Thống kê tại 55 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên 2 sàn chứng khoán HNX và HOSE thì Kinh Bắc có khối lượng hàng tồn cao thứ 3 thị trường so với 2 doanh nghiệp bất động sản khác.
Năm 2007, báo cáo tài chính của KBC không thể hiện giá trị hàng tồn kho, trong khi chi phí xây dựng dở dang thời điểm đó ghi nhận 690 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, khoản chi phí xây dựng dở dang tăng lên mức 920 tỷ đồng năm 2008, rồi 1.507 tỷ đồng năm 2009.
Tại năm 2009, giá trị hàng tồn kho của Kinh Bắc mới ghi nhận 898 tỷ đồng nhưng ngay năm sau 2010, giá trị khoản này đã tăng 4 lần, lên mức 3.542 tỷ đồng. Liên tiếp những năm sau, giá trị hàng tồn kho của Kinh Bắc tăng cao lên 7.053 tỷ đồng năm 2012 và 8.364 tỷ đồng vào năm 2015.
Một số dự án trong danh mục hàng tồn kho của Kinh Bắc tính tới hết năm 2016. Đồ họa: Quang Thắng. |
Khối lượng hàng tồn kho trị giá hơn 8.200 tỷ đồng của Kinh Bắc hiện nay bao gồm nhiều dự án khu công nghiệp với giá trị hàng nghìn tỷ đồng triển khai từ nhiều năm trước đó.
Số này gồm có dự án KCN và khu đô thị Tràng Cát (3.545 tỷ đồng), KCN Tân Phú Trung (2.560 tỷ đồng) hay KCN và đô thị Quang Châu, KCN Quế Võ mở rộng... Phần lớn hàng tồn kho của Kinh Bắc hiện được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn của công ty.
KBC được xem là “đế chế" riêng của đại gia Đặng Thành Tâm, khi ông vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là cổ đông lớn nhất của công ty.
Hiện tại, ông Tâm nắm hơn 75,2 triệu cổ phiếu KBC, tương đương 16,02% vốn điều lệ. Ngoài ra, tỷ lệ cổ phiếu có liên quan tới ông Tâm còn lớn hơn nhiều thông qua các công ty do ông làm chủ.
KBC cũng có một số cổ đông tổ chức như PYN Elite Fund sở hữu 6,92% vốn, Dragon Capital sở hữu 5,6% và Vietnam Enterprise Investments Limited sở hữu 4,2%.
Theo Zing