Mới đây, khi nói về vấn đề kinh tế đất - tài chính đất đai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã thẳng thắn nêu ra 10 lỗ hổng và bất cập trong công tác quản lý nhà nước, do lợi ích nhóm và do nhũng nhiễu khiến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai giảm mạnh.
Theo ông Châu, việc này gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước và tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Ông Châu nêu rõ: Hiện đang có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để"cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất dự án bất động sản, dẫn đến vừa thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã thẳng thắn nêu ra 10 lỗ hổng và bất cập trong công tác quản lý nhà nước, do lợi ích nhóm và do nhũng nhiễu khiến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai giảm mạnh. |
Tình trạng chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất không đúng đối tượng được chỉ định, mà không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi cũng đang phổ biến. Bên cạnh đó, việc bán chỉ định đất công cho nhà đầu tư với giá thấp so với giá thị trường mà không thông qua phương thức đấu giá công khai, không đúng quy định pháp luật đang còn tồn tại.
Quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao để chỉ định nhà thầu không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi. Dẫn đến có những trường hợp nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án bất động sản có thể vừa được nhận thầu công trình theo giá tốt, vừa được nhận quỹ đất phát triển dự án bất động sản với lợi nhuận rất cao", người đứng đầu HoREA cho hay.
Theo ông Châu, một số cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất công đã thực hiện hợp tác đầu tư với doanh nghiệp tư nhân để phát triển dự án kinh doanh, dịch vụ, nhưng giá trị thương quyền của mặt bằng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại giá trị do đã chuyển đổi mục đích sử dụng.
Một số cơ quan chính quyền cấp cơ sở đã không thống kê, báo cáo đầy đủ quỹ đất công trên địa bàn, nhất là các thửa đất nhỏ, hẹp và tùy tiện cho phép khai thác sử dụng, kinh doanh, hoặc để đất công bị lấn chiếm, sử dụng trái phép.
Theo ông Châu, hiện đang có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để "cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất dự án bất động sản, dẫn đến vừa thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. |
Ngoài ra, vấn đề về thủ tục hành chính, quy trình xác định giá đất, thẩm định giá đất cụ thể của dự án, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trên thực tế bị kéo dài cũng dẫn đến thất thu ngân sách và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Để minh chứng cho điều này, ông Châu lấy ví dụ: Cuối năm 2017, Tập đoàn Novaland mong muốn sớm được nộp tiền sử dụng đất, nhưng có đến 15 dự án bị kéo dài thủ tục tính tiền sử dụng đất. Chủ tịch UBND thành phố đã phải vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt thì mới giải quyết xong.
Thời điểm này, UBND thành phố phải chấn chỉnh lại hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, để cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất để có thể tiếp tục triển khai nhanh dự án.
Ông Châu cho biết, để khắc phục các lỗ hổng và hạn chế này, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành các nghị định để triển khai thực hiện sẽ góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công, trong đó có đất đai.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó, có trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.
Theo VTC