Bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có cuộc trao đổi ngắn với PV về báo cáo giám sát đất đai việc sử dụng đất đô thị của Quốc hội. Ông Thanh là Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội.
Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với nhiều bộ ngành, 7 địa phương, 40 doanh nghiệp bất động sản để giám sát vấn đề trên.
Ông Thanh cho biết trong báo cáo, Đoàn giám sát đã chỉ rõ tên các dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Trong đó đáng chú ý có 9 dự án điều chỉnh tới hơn 5 lần. Danh sách này cũng đã được gửi tới tất cả đại biểu Quốc hội và Chính phủ.
“Chúng tôi đã công khai từng dự án và Chính phủ đã biết cả rồi. Việc điều chỉnh các dự án như thế nào chúng tôi cũng đã nêu hết”, ông Thanh nói.
Khi được hỏi tại sao đoàn giám sát không công khai báo cáo, công khai các dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, ông Thanh chỉ trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi đã trình bày báo cáo trước Quốc hội và cho báo chí theo dõi”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Nói về việc xử lý sai phạm đất đai tại các địa phương, ông Vũ Hồng Thanh sẽ kiến nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết giao Thanh tra Chính phủ tiến hành điều tra. Cơ quan chức năng sẽ phải điều tra làm rõ, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2020.
“Trong báo cáo, chúng tôi cũng chỉ ra đầy đủ dấu hiệu vi phạm tại các dự án. Sắp tới sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ điều tra làm rõ. Những dự án nào đã giao cơ quan điều tra thì cũng phải làm rõ”, ông nói.
Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát đất đai của Quốc hội cũng nêu ra 2 ví dụ tại về quản lý đất đai tại Linh Đàm và huyện Mê Linh (Hà Nội). Với khu đô thị Linh Đàm, ông Thanh cho biết đã làm việc với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Khi đó, Hà Nội báo cáo phải có cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. Với huyện Mê Linh, nơi có hàng chục dự án treo, ông Thanh nhấn mạnh Hà Nội phải có trách nhiệm rà soát, xử lý các dự án treo.
PV tiếp tục đặt câu hỏi tới vị Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội về việc phá nát quy hoạch tùy tiện tại Hà Nội, điển hình như khu vực Linh Đàm, đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương với hàng chục nghìn căn hộ chung cư. Ông Thanh chỉ trả lời ngắn gọn: “Trong báo cáo chúng tôi cũng đã nói rõ rồi, 80% các dự án chung cư tập trung ở vùng trung tâm đô thị”.
Vị này không đưa ra bất cứ bình luận gì về việc phá vỡ quy hoạch tại các khu vực trên.
Khi được hỏi về việc xây dựng chung cư cao tầng ồ ạt, dẫn tới thiếu tiện ích như trường học, bệnh viện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thừa nhận bất cập trên. Ông nêu ra ví dụ ở khu đô thị Linh Đàm, nơi đoàn giám sát đã đến khảo sát thực trạng, có tình trạng kẹt xe, hầm thiếu chỗ để xe. Ông Thanh một lần nữa nhắc lại đã đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chuyển cơ quan điều tra vấn đề tại khu đô thị Linh Đàm.
Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), nơi nổi tiếng với sự quá tải về hạ tầng và phá vỡ quy hoạch. |
Vấn đề những khu nhà cao tầng liên tiếp mọc lên, phá nát quy hoạch và rất khó khắc phục, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần phải bổ sung thêm các hạ tầng tiện tích.
Ông thừa nhận rất khó để phá đi những dự án mà quy hoạch đã bị điều chỉnh, bởi người dân đã mua nhà.
“Đáng lẽ hạ tầng phải xây dựng trước. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại thì phải bổ sung sau”, ông Thanh nói.
Theo báo cáo của đoàn giám sát tối cao về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, tình trạng xây dựng không tuân thủ quản lý quy hoạch, kiến trúc còn khá phổ biến.
Nhiều địa phương chưa tuân thủ các quy định về tổ chức không gian trong đô thị; việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm.
Theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện. Việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh.
Hàng nghìn căn hộ chung cư tại đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) dài 720 m. |
Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật.
Một số địa phương cũng điều chỉnh quy hoạch bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số. Những hạn chế này thường diễn ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao như TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bắc Ninh .
Đặc biệt, đoàn giám sát của Quốc hội nhận định có tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.
Dẫn chứng điển hình được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra là dự án Tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20,33 tầng lên tối đa 40 tầng.
Ngoài ra, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị còn yếu kém nên quá trình triển khai thực hiện dự án phải điều chỉnh nhiều lần do trùng lắp quy hoạch với các dự án khác hoặc không phù hợp với quy hoạch chung. Điển hình như TP.HCM (1 dự án), TP.Hải Phòng (1 dự án), Tỉnh Bình Dương (4/29 hồ sơ giao đất, cho thuê đất được kiểm toán phải điều chỉnh quy hoạch), Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1 dự án)…
Theo Zing