Mua đất 17 năm chưa làm được nhà

Thứ năm, 07/11/2019, 09:31
Khoảng 700 khách hàng mua đất nền tại dự án khu dân cư Hồng Lĩnh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) từ năm 2002 đến nay vẫn chưa nhận được nền để xây nhà vì hạ tầng chưa xong.  

Sau 17 năm, dự án vẫn chưa xong bồi thường

Lấy đất tranh chấp giao cho khách hàng

Sáng 6.11, nhiều khách hàng đã kéo xuống trụ sở UBND huyện Nhà Bè để gặp lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè và lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (Công ty Hồng Lĩnh) theo lời mời của UBND huyện Nhà Bè. Thế nhưng chủ đầu tư không đến với lý do bận công việc đột xuất. Khách hàng được UBND huyện Nhà Bè hướng dẫn cử đại diện lập một ban liên lạc để làm việc với UBND huyện và chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Chí Xuân, một khách hàng mua đất tại đây, cho biết đây không phải là đầu tiên Công ty Hồng Lĩnh cố tình trốn tránh trách nhiệm mà từ hơn chục năm nay, những người lãnh đạo của Công ty Hồng Lĩnh luôn lẩn tránh giải quyết quyền lợi cho khách hàng. “Trước đây tôi làm việc ở Công an huyện Nhà Bè nên được suất mua nền đất tại đây. Sau khi mua tôi đã đóng 98% giá trị nền đất nhưng đến nay Công ty Hồng Lĩnh vẫn chưa xong hạ tầng kỹ thuật, chưa làm sổ đỏ cho khách hàng để chúng tôi làm nhà. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho tôi và hàng trăm khách hàng khác”, ông Xuân nói và cho biết thêm, khi Công ty Hồng Lĩnh giao nền trên thực địa ông đi nhận đất thì nền đất của ông và nhiều khách hàng khác lại nằm trên khu đất của một hộ dân khác. “Khu đất này người dân nói chưa đền bù, nên người dân đã cắm cọc rào đất lại, gắn các biển đất đang tranh chấp”, ông Xuân bức xúc.

Ông Xuân được giao lô đất đang bị tranh chấp giữa chủ đầu tư với người dân
Chị Oanh, khách hàng mua đất nền của Công ty Hồng Lĩnh từ năm 2002, khi dự án mới bắt đầu triển khai, lo lắng nói : Sau 17 năm đến nay dự án vẫn chưa đền bù xong, hạ tầng mới làm được một phần rất nhỏ nên không biết đến bao giờ khách hàng mới có thể nhận được nền đất để xây dựng nhà dù chị và hàng trăm khách hàng khác đã đóng đến 98% giá trị nền đất. “Đề nghị Công ty Hồng Lĩnh nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng, nộp tiền sử dụng đất, làm sổ đỏ để giao nền cho khách hàng. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc thanh tra, điều tra các sai phạm của công ty này để xử lý hành vi chiếm dụng vốn, đấu hiệu lừa đảo (nếu có) và giúp chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn để hoàn thành dự án, giao đất cho khách hàng”, chị Oanh kiến nghị.

Kiến nghị UBND TP.HCM giải quyết

Được biết năm 2002, Công an Huyện Nhà Bè xin chủ trương thành lập khu dân cư để phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, do không có chức năng làm dự án, không có vốn nên Công an huyện Nhà Bè đã mang khu đất sạch gần 7 ha liên kết với Công ty Hồng Lĩnh làm dự án theo kiểu phân chia sản phẩm. Ngay khi có khu đất này, Công ty Hồng Lĩnh đã đi đền bù giải tỏa thêm phần diện tích khoảng 13 ha để mở rộng dự án lên khoảng 20 ha.
Theo ông Võ Thành Khả, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, đã nhiều lần tiếp và làm việc với khách hàng cũng như chủ đầu tư để tìm hướng giải quyết, nhưng bất thành do hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Hiện nay dự án còn một số diện tích chưa đóng tiền sử dụng đất nên UBND huyện đang xác định hồ sơ bồi thường để Sở Tài nguyên - Môi trường xác định nghĩa vụ tài chính với Công ty Hồng Lĩnh. Khi chủ đầu tư thực hiện xong nghĩa vụ tài chính và hoàn thành xây dựng hạ tầng mới được cấp sổ đỏ cho dự án.

Nhiều tấm biển cảnh báo đất tranh chấp được cắm tại dự án
Tuy nhiên, muốn đóng được nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư phải chứng minh được đất đã bồi thường xong, xác định được giá trị bồi thường. UBND huyện đang giúp chủ đầu tư làm việc này nhưng có những hồ sơ thất lạc hoặc giữa chủ đầu tư và người dân chưa chứng minh được giao dịch nên hiện nay mới xác định được giá trị bồi thường khoảng 2/3 diện tích dự án. Nếu chủ đầu tư xác định không đủ hay thất lạc UBND huyện sẽ báo UBND TP để chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường vào cuộc xử lý.
“Hiện hạ tầng đã làm đá dăm, làm vỉa hè… nên chủ đầu tư phải làm xong hạ tầng, đóng tiền sử dụng đất, khi đó chủ đầu tư sẽ được cấp sổ đỏ cho toàn dự án, sau đó chủ đầu tư sẽ tách ra các sổ đỏ nhỏ cho khách hàng”, ông Khả cho hay.
Cũng theo ông Khả, UBND huyện Nhà Bè chỉ có thể làm cầu nối để chủ đầu tư gặp khách hàng, hai bên cùng ngồi lại để thương lượng, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Nếu khách hàng thấy cần thiết có thể kiện ra tòa, nếu có dấu hiệu lừa đảo khách hàng có thể tố cáo ra công an để điều tra, làm rõ.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích