Thâu tóm dự án, nhà đầu tư ưu tiên “đất sạch”

Thứ ba, 29/10/2019, 11:18
Trong khi các thương vụ M&A bất động sản phía Nam thường “lộ sáng” khá sớm do thường có yếu tố ngoại hoặc là đất đấu giá, thì khu vực phía Bắc, cả bên mua lẫn bên bán đều khá kín tiếng dù các thương vụ thâu tóm dự án vẫn liên tục diễn ra.

Sôi sục những thương vụ M&A mới
Theo dõi website của Sở Xây dựng Hà Nội những tháng gần đây thấy liên tục xuất hiện thông tin về việc chuẩn y những thương vụ thâu tóm hoặc mua bán một phần dự án bất động sản.
Đáng kể nhất trong thời gian vừa qua phải kể đến việc Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội (Phương Đông Hà Nội) và Công ty cổ phần HBI chi tiền nhận chuyển nhượng lại một phần dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn với tổng giá trị các thương vụ lên tới gần 11.000 tỷ đồng. Tổng diện tích phần dự án chuyển nhượng cho Công ty Phương Đông và Công ty cổ phần HBI lần lượt là 3,15ha và 3,32ha.
Trước đó, hồi tháng 8/2019, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội (Minh Tân Hà Nội). Theo đó, phần dự án chuyển nhượng gồm 2 lô đất với tổng diện tích gần 3,8ha với tổng giá trị tạm tính dựa trên tổng mức đầu tư là khoảng 4.833 tỷ đồng.
Ngoài ra, hồi tháng 6/2019, UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định cho phép Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho Công ty TNHH một thành viên Tư vấn và Kinh doanh bất động sản TCO (Bất động sản TCO). Theo phê duyệt, quy mô của phần dự án chuyển nhượng là phần diện tích đất hơn 34,6ha, bao gồm đất ở biệt thự, đất ở nhà vườn, đất ở liền kề, đất nhà ở thương mại dịch vụ kết hợp ở tại dự án với giá trị chuyển nhượng tạm tính khoảng 11.287 tỷ đồng.
Tương tự, hồi cuối tháng 7/2019, HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng dự án Eco Green Tower - số 1 Giáp Nhị (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư bất động sản Bình Minh, thuộc Tập đoàn Viễn Đông.
Hồi tháng 9/2019, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Quyết định cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền chuyển nhượng một phần dự án thuộc Dự án giải phóng mặt bằng khu đất hai bên đường trục Tây Thăng Long (vị trí ĐG 6B), phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền sẽ chuyển nhượng một phần Dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại các ô đất CT-01 và CT-03 quy hoạch chức năng đất ở chung cư với tổng diện tích khoảng gần 2,61ha với tổng giá trị khoảng gần 795,5 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Quản lý tài sản Sông Nhuệ. Ngoài ra, Phú Điền cũng chuyển nhượng ô đất CT-02 có quy mô 1,3ha cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân La với tổng mức đầu tư của phần dự án chuyển nhượng khoảng 374 tỷ đồng.
Mới nhất, UBND TP. Hà Nội đã cho phép liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 chuyển nhượng toàn bộ Dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho Công ty cổ phần Veracity (Công ty
Veracity). Theo quyết định, phần chuyển nhượng là công trình hỗn hợp cao 35 tầng, 1 tum cùng 4 tầng hầm và 1 sàn lửng hầm được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 2.373m2 với tổng giá trị ước tính trên tổng mức đầu tư tạm tính là khoảng gần 800 tỷ đồng.
Âm thầm bán mua
Dường như đã trở thành điều khoản cam kết giữa hai bên mua bán, hầu hết các thương vụ M&A dự án bất động sản  ở Hà Nội đều được giữ bí mật đến khi… không thể bí mật được mới thôi. Rất nhiều thương vụ trị giá cả trăm tỷ, ngàn tỷ đồng và chắc chắn đứng sau đó là các đại gia, nhưng những pháp nhân về hình thức đứng tên lại là những cái tên “mới toe” trên thị trường.
Nếu Công ty cổ phần HBI đã được biết đến nhiều với dự án Imperia Garden tại 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội, thì Phương Đông Hà Nội trong thương vụ thâu tóm dự án tại Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ lại khá kín tiếng, hay Minh Tân Hà Nội và Bất động sản TCO tại dự án dự án Khu đô thị Gia Lâm, hay Công ty Veracity đều là những doanh nghiệp mới chỉ được thành lập trong thời gian gần đây và gần như chưa xuất hiện trên thị trường.
Chẳng hạn, Phương Đông Hà Nội mới chỉ được thành lập vào tháng 5/2019 cùng thời điểm thành lập với Minh Tân Hà Nội, trong khi TCO cũng chỉ hơn một tuổi, được thành lập từ tháng 6/2018. Mặc dù không trực tiếp thừa nhận mối liên quan đến các doanh nghiệp này khi trao đổi với phóng viên, nhưng qua những thông tin trên thị trường và từ nhiều sàn phân phối đều cho biết mối liên quan của các doanh nghiệp này với một đại gia bất động sản đến từ phía Nam, Thảo Điền Investment.
Ngoài mối liên quan với chuỗi dự án vừa chuyển nhượng ở Gia Lâm và Tây Mỗ, hồi đầu năm 2018 cũng đã có thông tin Chung cư Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ được Masteri Thảo Điền phát triển đang được các khách hàng khu vực Long Biên và lân cận rất ưa thích.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Veracity - chủ mới của cao ốc thay thế cho liên danh chủ đầu tư cũ cũng chỉ mới thành lập từ tháng 10/2017 do ông Nguyễn Anh Tiến là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, Veracity được cho là có mối liên quan và nằm trong hệ sinh thái của IBS Việt Nam, một đơn vị chuyên về giải pháp tự động hóa trong xây dựng dân dụng và công nghiệp. CEO của Veracity là ông Paul J.Mason, một nhân vật khá nổi tiếng thời đầu của thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam, đơn vị chuyên tư vấn chuyển nhượng thành công nhiều dự án bất động sản cho biết, xu hướng với một số dự án gần đây có thể thấy nhu cầu mua lớn nhất vẫn là những dự án bất động sản hỗn hợp, khu đô thị hoặc khu dân cư đã hoặc đang thành hình nhằm xây dựng các khu đô thị, biệt thự, liền kề hoặc căn hộ chung cư để bán, phục vụ nhu cầu ở thực rất lớn của người dân hiện nay. Với dòng tiền tốt do kinh doanh hiệu quả ở giai đoạn trước hoặc có các hoạt động kinh doanh khác mang lại lợi nhuận ổn định, các nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền hơn so với trước.
Đồng quan điểm, theo lãnh đạo Tập đoàn Viễn Đông, dù có dấu hiệu chững lại nhưng nhìn chung, tiềm năng thị trường bất động sản vẫn rất lớn khi nguồn cầu về nhà ở của người dân vẫn cao. Vấn đề chỉ là việc mua lại dự án rồi làm gì để dự án có thể đến được tay người mua nhà và được họ chấp thuận hay không. Bên cạnh đó, xu hướng gần đây trong hoạt động M&A là ưu tiên các lô đất sạch chưa được triển khai dự án để mua đứt bán đoạn. Điều này giúp các chủ đầu tư mới vừa tránh được “tai tiếng” thường có ở các dự án thi công dở dang rồi bê trễ phải chuyển nhượng và quan trọng hơn là không bị mắc vào mớ bòng bong giải quyết quyền lợi của nhóm khách hàng cũ.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Các tin cũ hơn