Đây là thông tin được Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra trong phiên thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước chiều 22/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới chỉ được giao lập dự án đầu tư. Để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì phải có nhà đầu tư. Do liên quan an ninh quốc phòng và nhiều vấn đề khác, chỉ có thể tuyển chọn nhà đầu tư trong nước.
Theo quy định hiện hành, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án trước khi đấu thầu chọn nhà đầu tư. Nhưng đấu thầu cũng không khả thi bởi khi đấu thầu, nhà đầu tư phải có hồ sơ kinh nghiệm, có quản lý, có xây dựng những công trình tương tự.
"Hiện ở Việt Nam chỉ có duy nhất ACV đang quản lý khai thác 21 sân bay. Sun Group thì mới triển khai duy nhất CHK quốc tế Vân Đồn” – Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo Luật Đấu thầu, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT sẽ xin phép Chính phủ để mở thầu để chọn nhà đầu tư đó, như vậy, chúng mất 1 năm cũng chỉ để chọn ACV. Do đó, nếu Quốc hội thống nhất chọn ACV cũng đồng nghĩa sẽ rút ngắn thời gian được 1 năm, Bộ trưởng kiến nghị.
"Sang năm 2020, chúng ta chỉ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, sang 2021 có thể khởi công. Tuy nhiên, nếu đấu thầu thì sớm nhất cũng phải 2022 hoặc 2023 mới có thể khởi công”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng mong Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8km kết nối trục chính cảng đầu phía Tây với QL51) và tuyến số 2 (dài 3,5km kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) vào dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng). Diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã báo cáo về giai đoạn 1 của Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng số vốn là 111.689 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.
Tổng mức đầu tư dự kiến, bao gồm: Chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay… là 111.689 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,779 tỷ USD.