|
Nhiều khu vực ở hành lang sông Sài Gòn giờ đã thành đất của các “ông” |
Thời gian kiểm tra từ nay đến ngày 3.1.2020, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ đi kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông Sài Gòn tại các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn 9 quận/huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Thạnh, Thủ Đức, 1, 2, 4, 7 và Q.12. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào hơn 100 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được phê duyệt tiếp giáp với bờ sông Sài Gòn.
Điểm mặt hàng loạt doanh nghiệp
"Sẽ có 3 đoàn kiểm tra do các phó chánh thanh tra Sở Xây dựng làm trưởng đoàn. Đại diện Sở Nội vụ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện làm thành viên các đoàn kiểm tra cùng các sở - ngành liên quan khác". Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM |
Trong đó có dự án Riverside (khu A) của Công ty liên doanh ven sông Sài Gòn, với 13 công trình nhà ở chỉ cách mép nước 7,5m. Hay Công ty TNHH Văn Minh có các công trình nhà ở cách sông 10m. Công ty này đã bị ngành chức năng ra quyết định xử phạt, yêu cầu tự tháo dỡ.
Tương tự, hàng loạt doanh nghiệp lấn sông đã được điểm mặt như Công ty TNHH Hải Vương có 8 lô đất với 3 công trình cách sông từ 12 - 20m; Công ty TNHH XD Thế Minh triển khai với các căn biệt thự cao cấp chỉ cách bờ sông 15m; Công đoàn Công ty thép Miền Nam (khu 3) có 5 công trình tạm vi phạm; Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng có 17 công trình nhà ở chỉ cách sông 20m; Công ty TNHH XD Bảo Tiến có 11 công trình nhà ở cách sông 26m; Công ty xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận có 11 lô đất chỉ cách mặt nước 20m; Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận có đến 9 lô đất xâm chiếm hành lang sông Sài Gòn. Cuối cùng là Công ty CP đầu tư xây dựng Tân Bình có 4 lô đất (trong đó có 4 công trình nhà ở) cách sông 20m...
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, trong đợt kiểm tra này, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ đồng loạt ra quân, dồn lực lượng vào kiểm tra các dự án dọc bờ sông Sài Gòn, sau đó sẽ có báo cáo kết quả gửi UBND TP.
“Sẽ có 3 đoàn kiểm tra do các phó chánh thanh tra Sở Xây dựng làm trưởng đoàn. Đại diện Sở Nội vụ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện làm thành viên các đoàn kiểm tra cùng các sở - ngành liên quan khác”, vị này cho biết.
Về tình trạng trên, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, lý giải tại các khu vực có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa nhanh đã xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê... Mặc dù vậy, đến nay TP chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Thực tế cho thấy các dự án lấn sông Sài Gòn chủ yếu là của các doanh nghiệp. Trong danh sách kể trên có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ. Thế nhưng, đến nay đa số các quyết định chưa được thực thi.
Quy rõ trách nhiệm
Sở Tài nguyên - Môi trường thì cho rằng việc đất công dọc các con sông, kênh, rạch và đặc biệt là sông Sài Gòn thời gian qua bị tư hữu hóa là do lịch sử để lại, cộng với sự phát triển nóng và chưa đồng bộ của TP; rồi việc các địa phương xem nhẹ, buông lỏng quản lý dẫn đến các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn TP bị lấn chiếm.
"TP không có một nhạc trưởng để quản lý, khai thác quỹ đất ven sông. Để không xảy ra tình trạng này, nên quy trách nhiệm về một đầu mối là lãnh đạo UBND các quận, huyện để tránh việc “đổ thừa” qua lại. Nếu ai, nơi nào không làm được thì nghỉ việc, có như vậy thì không ai có thể làm ngơ, thậm chí “bảo kê” cho doanh nghiệp, người dân vô tư lấn chiếm đất sông.". Ông Võ Kim Cương, (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM) |