Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp bất động sản cung cấp khoảng trên 30.000 căn condotel. Giai đoạn mới xây dựng, condotel phát triển rất nhanh, lượng cung ra đến đâu nguồn cầu hấp thụ hết đến đó. Tuy nhiên, trong quý III/2019, chỉ có 2.515 giao dịch thành công, số lượng condotel (do Bộ Xây dựng thẩm định) giảm mạnh.
Hiện có 4 vướng mắc lớn nhất về condotel. Thứ nhất, pháp luật chưa có quy định cụ thể về tên gọi tiếng Việt của condotel trong hệ thống pháp luật (chỉ có Luật Du lịch có quy định về căn hộ du lịch, các pháp luật khác chưa có quy định về loại hình công trình này, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ).
Chủ đầu tư condotel sẽ phải minh bạch cam kết lợi nhuận. |
Thứ hai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng các công trình này gặp vướng mắc về thời hạn sở hữu, chế độ sử dụng đất.
Thứ ba, các căn hộ condotel được bán cho hộ gia đình, cá nhân theo cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp. Lợi nhuận của các nhà đầu tư thực hiện theo pháp luật về dân sự và hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người mua.
Thứ tư, quy định về quản lý vận hành condotel còn thiếu đồng bộ. Hiện, chưa có quy định cụ thể với các tòa độc lập chỉ có căn hộ condotel.
Liên quan đến sự việc đổ vỡ của condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ VH-TT&DL tìm giải pháp cho loại hình condotel.
Theo ông Hưng, condotel là loại hình BĐS mới, được phát triển nhanh ở Việt Nam từ năm 2015, lên cao trào vào năm 2016 – 2017. Tuy nhiên, từ năm 2018 – 2019, thị trường BĐS nghỉ dưỡng có xu hướng chững lại. Đáng chú ý, số dự án condotel được thẩm định mới dự kiến trong năm 2019 giảm 80% so với cao điểm.
“Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu địa phương minh bạch hóa thông tin về triển khai condotel và cam kết lợi nhuận. Đồng thời, kiến nghị các ngân hàng có kiểm soát chặt nguồn đầu tư tín dụng cho các dự án BĐS, trong đó có condotel…”, ông Hưng cho biết.
Còn theo ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), hiện chưa có địa phương nào hỏi về khó khăn cấp sổ đỏ cho condotel. Trước đây đã có một doanh nghiệp và tỉnh Khánh Hòa hỏi, Tổng cục đã có công văn trả lời rất rõ.
“Chế độ sử dụng đất giao cho dự án condotel là đất gì thì sẽ cấp theo đất đấy. Chẳng hạn như nếu giao đất sản xuất kinh doanh thì sẽ cấp theo sản xuất kinh doanh”, ông Phấn khẳng định.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, chế độ sử dụng đất có quy định rất rõ từ lâu trong các nghị định và thông tư. Hiện nay, condotel “vướng” ở chỗ chủ đầu tư quảng cáo bán hàng là sổ đỏ vĩnh viễn. Tuy nhiên, những dự án này được Nhà nước giao đất vào sản xuất kinh doanh, dự án được phê duyệt cũng là dự án kinh doanh, giấy phép xây dựng cũng vậy. Cấp giấy sẽ phải theo đúng pháp luật chứ không thể cấp sang đất ở được.
Theo VTC