Đại gia địa ốc xin làm nhà thu nhập thấp

Thứ bảy, 09/03/2013, 10:42
Nhiều dự án thương mại đang làm thủ tục xin chuyển thành nhà thu nhập thấp. Cơ chế ưu đãi của Nhà nước cộng với khả năng tiêu thụ của thị trường là nguyên nhân khiến các đại gia tính chuyện thu gom bạc lẻ.

Sau khi đã có quy hoạch phân khu, Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng (Vinaconex) mới đây đề xuất chuyển sang xây nhà xã hội tại khu đô thị Đại Áng. Nơi đây rộng 50ha, từng quy hoạch để làm khu công nghiệp.

Trao đổi với PV, Phó tổng giám đốc Đoàn Châu Phong cho biết một dự án nhà thu nhập khác của tổng công ty là Bắc An Khánh (18,5ha) cũng đang chờ thành phố giao đất triển khai.

"Đối với dự án Bắc An Khánh, kế hoạch chi tiết đã có đầy đủ, chỉ chờ giao đất chúng tôi sẽ làm ngay. Còn khu Đại Áng đã trình thành phố và đang chờ ý kiến", ông Đoàn Châu Phong cho hay.

bất động sản
Doanh nghiệp đề xuất cần được tiếp cận vốn giá rẻ cũng như cơ chế hỗ trợ cụ thể. 

Đơn vị con của Vinaconex là Vinaconex 2 cũng vừa đề nghị TP Hà Nội và Bộ Xây dựng được chuyển đổi một tòa chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) tại quận Hoàng Mai sang nhà ở bán cho công nhân viên một số cơ quan thuộc diện chính sách.

Ông Đỗ Trọng Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex 2 cho biết dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật như san nền, giao thông, thoát nước, trồng cây, cấp điện...

Theo ông Quỳnh, giá bán dự kiến khoảng 13,8 triệu đồng mỗi m2 và có thể được điều chỉnh sau khi tính toán kỹ lưỡng. Dự án ở Quang Minh gồm 3 tòa nhà 6 tầng (Vĩnh Phúc) cũng đã được được trình Bộ Xây dựng để triển khai nhà ở xã hội với giá bán dự kiến 8,5 triệu đồng mỗi m2.

Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị (HUD) cho biết cũng đang điều chỉnh nâng từ 2,4ha dành cho nhà xã hội lên 9h tại dự án Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm.

Một nguồn tin từ Tập đoàn Nam Cường cũng tiết lộ, đơn vị này đang lập dự án khu đô thị 140 ha tại Đại Mỗ, trong đó có 40ha nhà ở và doanh nghiệp dự kiến sẽ dành 10-15ha để làm nhà xã hội.

Trước đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Xây cùng các bộ ngành địa phương rà soát, cơ cấu lại thị trường sang phân khúc thấp đồng thời đưa ra biện pháp nhằm giảm hàng tồn kho và hướng dẫn các địa phương chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành xã hội.

Phó thủ tướng cũngnhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn các ngân hàng dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thể vay để thuê mua nhà.

Ngoài ra còn hàng loạt các dự án khác cũng xin chuyển sang xây nhà ở xã hội. Điển hình như dự án Tổ hợp chung cư AZ Thăng Long (Hoài Đức) của Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long. Dự án khu đô thị mới Trung Văn của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội. Dự án khu đô thị thương mại cao tầng đô thị Sông Đà (Hà Đông) do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị sông Đà làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo một doanh nghiệp nhìn nhận, việc nhiều ông lớn chuyển nhà ở thương mại sang thu nhập thấp là một tín hiệu vui, tuy nhiên, điều khó nhất, đối với doanh nghiệp lúc này là vốn và cơ chế.

Trong bối cảnh địa ốc khó khăn, doanh nghiệp sẵn sàng chuyển từ nhà ở thương mại sang xã hội song họ cần có nhiều cơ chế hỗ trợ hơn. Ông tiết lộ, doanh nghiệp của ông chỉ khi nào có người đăng ký mua hoặc có đơn vị hợp tác mới bắt tay vào việc xây dựng nhà thu nhập thấp để tránh "mất thời gian" xét duyệt từng trường hợp.

"Doanh nghiệp bỏ ra hàng chục thậm chí hằng trăm tỷ đồng nhưng đầu ra lại phải xét duyệt từng người như một số dự án trước kia thì không biết bao giờ mới bán được hàng", ông chia sẻ. Thêm vào đó, theo ông, thực tế doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa tiếp cận được vốn giá rẻ, cũng như các cơ chế ưu đãi cụ thể.

Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành 7/1 vừa qua cũng khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, ưu đãi chuyển từ thương mại sang nhà thu nhập thấp. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài Chính cũng cần rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Đặc biệt, dự án nhà ở thương mại được phép chuyển đổi làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua đến những đối tượng chính sách và làm các công trình dịch vụ như bệnh viện, trường học, khách sạn... Những doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cũng được vay với lãi suất thấp và kỳ hạn trả nợ hợp lý với nguồn vốn cùng khả năng thanh toán.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân.

Theo ông, đây cũng là một gói kích cầu gián tiếp của Chính phủ cho thị trường vì Nhà nước đã không thu tiền sử dụng đất đối loại hình nhà ở này. Bộ Xây dựng cũng khẳng định, sắp tới sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể, công bố công khai về trình tự, thủ tục điều chỉnh - chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ sẽ sẽ ưu tiên giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hiện cả nước có khoảng 20 chủ đầu tư đã đề xuất và có phương án chuyển đổi mục đích chung cư thương mại sang nhà ở xã hội. Trong đó TP.HCM có 9 dự án, Hà Nội 7 dự án, Bình Dương 1 dự án và Đồng Nai 1 dự án.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn