Ông John Sheehan từng trải nghiệm 4 chu kỳ phát triển và suy thoái của kinh tế châu Âu cũng như các giai đoạn sụp đổ, phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) ở 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có VN. PV đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia này xung quanh thị trường BĐS VN.
Ông nghĩ sao về hai luồng ý kiến ở VN: Một là cần giải cứu thị trường BĐS; số khác cho rằng nên để thị trường thanh lọc tự nhiên?
Tôi cho rằng, cần phải có sự can thiệp của Chính phủ. Bởi vì, thị trường BĐS ở VN không có khả năng tự giải cứu do quy mô khủng hoảng quá lớn.
Tôi có thể đưa ra ví dụ để thấy sự can thiệp của Chính phủ quan trọng đến mức nào. Năm 1997, hai nước láng giềng của các bạn là Thái Lan và Philippines đều phải đối phó khủng hoảng tài chính.
Ở Thái Lan, khủng hoảng được giải quyết nhanh hơn nhờ những nỗ lực của Chính phủ nước này kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) vào năm 1998. Nhưng ở Philippines, mãi đến năm 2002 Chính phủ mới bắt đầu bán trái phiếu để lấy tiền giải quyết khủng hoảng - chậm hơn Thái Lan 4 năm thì nền kinh tế nước này khôi phục sau Thái Lan chậm hơn đúng 4 năm. Như vậy có thể thấy, Chính phủ can thiệp càng sớm thì thị trường khôi phục càng sớm.
Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS tại VN hiện nay là phát triển nhà ở xã hội. Ông có đánh giá gì về chính sách này và khả năng thành công của nó?
|
Theo tôi, đây là giải pháp tốt để tháo gỡ cho thị trường BĐS, nhưng không hỗ trợ nhiều hoạt động cho vay của các ngân hàng. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng hay không chính là dòng máu của nền kinh tế và nếu không xử lý tốt những hoạt động của ngân hàng thì rất khó có thể khôi phục được vĩ mô.
Về phát triển nhà ở xã hội, chính sách này của VN nhằm hỗ trợ những công ty BĐS tìm được nguồn vốn từ thị trường bằng việc bán các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề nợ xấu BĐS hiện nay ở các ngân hàng.
Vậy, ông khái quát ra sao về tình hình BĐS VN hiện nay?
Tôi sẽ chia thị trường thành 3 giai đoạn: Sau khi xảy ra khủng hoảng gọi là giai đoạn phủ nhận, thường khoảng 2 năm; giai đoạn xử lý vấn đề nợ xấu mất khoảng 4 năm; cuối cùng là khi thị trường phục hồi, mất chừng 6 năm. VN đang ở nấc "phủ nhận". Tôi cho rằng, phải qua được giai đoạn này và chấp nhận bỏ ra chi phí thực tế để xử lý nợ xấu thì sau đó mới có thể xác định được giai đoạn phục hồi mất bao lâu.
Tức là, phải mất ít nhất 4 năm nữa giá BĐS ở VN mới giảm và dần đi vào ổn định, đồng nghĩa người mua sẽ chờ đến lúc đó để mua nhà, đất?
Cái này là quyết định của mỗi người. Về cá nhân, trong thời điểm này tôi sẽ không mua nhà nếu không có nhu cầu thực cần nhà ở do thị trường đang trong giai đoạn phủ nhận. Sẽ còn nhiều điều chỉnh, sau đó mới đến giai đoạn xử lý nợ xấu, kế đó mới tới giai đoạn phục hồi, dần đi vào ổn định và quay về giá trị thật. Tôi sẽ chờ đợi đến lúc đó. Còn nếu đầu tư vào nhà ở hiện nay, có thể mức giá không phải là thật.
Theo Thanh Niên