Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho hay, hiện khó khăn của doanh nghiệp ông cũng như nhiều đơn vị khác là không có vốn để triển khai dự án, ngân hàng thận trọng cho vay, đầu ra còn tắc. Hơn ai hết, bản thân doanh nghiệp muốn tự mình thoái khỏi cơn khó chung của thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngoại trừ những ông lớn xây dựng, nhìn chung doanh nghiệp địa ốc rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm".
"Trước mắt chúng tôi vẫn nghe ngóng, chưa tung hàng hay có động thái gì cụ thể", ông chia sẻ. Theo ông, doanh nghiệp bất động sản liên quan đến hàng loạt ngành nghề nên không thể không cứu, để bất động sản chết, kinh tế cũng sẽ "chìm" theo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận các doanh nghiệp bất động sản trông chờ sự giải cứu của Nhà nước sẽ khiến chính bản thân mình cũng như thị trường càng thêm khó khăn, trì trệ hơn. Doanh nghiệp bất động sản cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh khác đều đang gặp nhiều khó khăn bởi vậy, không chỉ cứu địa ốc mà phải có giải pháp cho hàng loạt ngành nghề khác.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, tình trạng doanh nghiệp bất động sản có tâm lý chờ Nhà nước giải cứu là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu kể cả nếu muốn.
Hơn nữa, Nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức làm doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng vì "lãi bỏ túi, lỗ sẽ có nhà nước lo" tạo ra mầm mống cho cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.
Tháng 5/2010, Hà Nội lên cơn sốt địa ốc, đất tăng giá chóng mặt ở nhiều khu vực, tâm điểm là dọc đường Láng Hòa Lạc, huyện Gia Lâm và quận Tây Hồ với mức tăng nóng 35-40%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, giá địa ốc một thời từng lên cao, doanh nghiệp bất động sản đã kiếm đủ lời, bởi vậy, đây là lúc phải trả giá. Thị trường vừa qua chứng kiến nhiều cuộc thanh lọc như nhà giá rẻ hạ giá bán tạo ra cơn sốt trên thị trường, còn doanh nghiệp chứng khoán không trụ được đã tuyên bố phá sản, ngân hàng sáp nhập để tái cơ cấu."Doanh nghiệp địa ốc nên học theo cách này để tự tìm ra lối thoát cho bản thân", bà nói.
Tâm lý chờ đợi làm địa ốc càng thêm trì trệ. |
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Chính phủ đã tỏ thái độ rất rõ sẽ cứu địa ốc thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Do đó, doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách đưa ra các giải pháp như hạ giá bán, bố trí cơ cấu lại công năng nhà ở, liên doanh, liên kết, đề ra chiến lược tiêu thụ... thay vì kêu ca nhiều.
Ủy ban kinh tế cũng đã khẳng định Chính phủ không thể tung tiền cứu địa ốc, do đó, việc các doanh nghiệp chờ đợi một cách vô vọng điều không xảy ra từ sự hỗ trợ bên ngoài sẽ càng làm cho thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng.
Trong năm 2013, Chính phủ quyết tâm mạnh mẽ và đã có một số giải pháp nhằm hâm nóng thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu mua hoặc thuê nhà của số đông thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ, nhất là đối với nhà thu nhập thấp.
Theo bà Lan, việc Chính phủ đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phân khúc nhà thu nhập thấp là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần lưu ý để phải pháp đến đúng người, đúng đối tượng. Thực tế, địa ốc là một những ngành coi là kém minh bạch, do việc mất nhiều "chi phí vô hình" rót vào dự án, bởi vậy, vấn đề lợi ích nhóm là điều đáng để lưu tâm.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, trên thực tế luôn luôn tồn tại lợi ích nhóm trong bất cứ ngành nghề, nền kinh tế nào, chỉ có điều là đúng hay không đúng pháp luật mà thôi. Có những lợi ích nhóm tạo ra nguồn lực cho xã hội nhưng cũng có lợi ích nhóm gây tổn hại cho nền kinh tế.
Khái niệm lợi ích nhóm có nghĩa là cố tình hợp tác với nhau để trục lợi sai quy định pháp luật. Nếu hiểu không đúng bản chất sẽ dễ gây nhầm lẫn. Hiệp hội và ngành nghề thậm chí là từng doanh nghiệp có quyền đề xuất những gì có lợi cho họ theo khuôn khổ pháp luật. Chính phủ và Quốc hội có thể xem xét chấp nhận hoặc bác bỏ nhưng không vì thế mà quy chụp các đề xuất đó là lợi ích nhóm.
Theo ông Hiển, đề án hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ chỉ ưu tiên phát triển nhà ở xã hội là một cách chống lợi ích nhóm khá hiệu quả. Hiện nay đang tồn tại luồng quan điểm cực đoan cho rằng giải cứu bất động sản là chưa cần thiết. Tuy nhiên, thực tế không thể chối bỏ là nếu ngành này được hỗ trợ và giải cứu hợp lý sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.
"Không nên nhìn bất động sản như một tội đồ. Bản thân Chính phủ cũng không cổ xúy cho việc bơm tiền giải cứu các dự án cao cấp. Do đó, người dân không phải lo lắng nguồn lực đất nước phục vụ lợi ích nhóm", ông nói.
Tổng giám đốc Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh và đào tạo doanh nghiệp Fresh View, Francis Hùng phân tích: "Cách tốt nhất để chống lợi ích nhóm là đề ra các cơ chế cụ thể giải cứu bất động sản đồng thời minh bạch chính sách này". Cụ thể, các đối tượng và điều kiện được thụ hưởng gói hỗ trợ phải công khai với người dân. Chính phủ có thể sử dụng hệ thống ngân hàng làm trung gian để kiểm soát chặt chẽ các giải pháp cứu thị trường.
Theo ông Hùng, bên cạnh chính sách tài khóa, Chính phủ cần lấy lại niềm tin và sự đồng thuận của người dân về việc giải cứu địa ốc. Theo đó, nhiều bộ ngành cần điều tra, khảo sát và công bố thông tin về thị trường bất động sản một cách thường xuyên. Khi thị trường có kênh thông tin trung lập, việc thăm dò và kêu gọi sự đồng tình của dư luận về các chính sách giải cứu bất động sản sẽ hiệu quả hơn.
Số đông các chuyên gia cho rằng, hiện nay tâm lý chờ đợi bao trùm thị trường bất động sản. Doanh nghiệp chờ chính sách mới, khách hàng chờ giá giảm thêm, nhà đầu tư chờ thị trường khởi sắc mới trở lại.
Còn chuyên gia Cao Sỹ Kiêm đánh giá, cứu địa ốc cần có sự bắt tay của ngân hàng. Tính đến 30/9, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ chiếm 19,25%, đứng thứ 2 sau công nghiệp chế biến chế tạo (22,5%).
"Nợ xấu bất động sản là một vấn đề lớn, giải quyết nợ xấu không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn cho cả ngân hàng. Ngân hàng cũng như bất động sản phải cùng vào cuộc mới tạo ra sức mạnh tổng hợp giải quyết khó khăn chung", ông Kiêm nói.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cần phải chấp nhận rằng không thể nôn nóng giải cứu bất động sản và Việt Nam nên nhìn vào các nước phát triển để học hỏi.
Ví dụ như Mỹ bùng nổ nhà giá rẻ trong giai đoạn khủng hoảng đến nỗi cả thế giới "hùa nhau" mua nhà ở quốc gia này, nhưng cũng phải mất 5-6 năm mới xong về cơ bản. Thái Lan, Indonesia cũng mất 5-7 năm. Nhật là trường hợp ngoại lệ, mất đến 20 năm để giải quyết các tồn đọng liên quan đến bất động sản.
Vì thế Việt Nam không thể nhanh hơn. "Chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để giải cứu thị trường này và mọi việc cần phải có tiến trình, không thể đốt cháy giai đoạn", ông Hiển nhận định.
Theo VnExpress