Vì sao người dân không "mặn mà" với vay mua nhà?

Thứ ba, 12/03/2013, 10:37
Không có tài sản thế chấp để vay vốn, lo ngại lãi suất vay bị thả nổi,... là những rào cản khiến nhiều người thu nhập thấp không muốn vay vốn ngân hàng mặc dù lãi suất cho vay ở mức thấp 6%/năm như Ngân hàng Nhà nước dự kiến.

Trong nghị định 02/NĐ-CP về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đưa ra thông điệp Ngân hàng nhà nước sẽ dành gói tín dụng 20-40 ngàn tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp.

Mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trong gói tín dụng trị giá 20-40 ngàn tỷ đồng, Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay đối với người mua nhà là 6%, thời hạn cho vay là 10 năm. Mọi điều khoản hỗ trợ người mua nhà sẽ được quy định cụ thể trong dự thảo hướng dẫn cho vay người thu nhập thấp sẽ được Ngân hàng Nhà nước ban hàng ngay trong quý I/2013 này.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rất trầm lắng, chủ trương hỗ trợ cho người mua nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội vay tiền với mức lãi suất thấp được kỳ vọng sẽ phần nào kích cầu thị trường, giải phóng lượng lớn hàng tồn kho bất động sản.

Tuy nhiên, không phải cứ vay được tiền là người mua nhà có thể dễ dàng chọn lựa được các dự án theo đúng yêu cầu của mình. Bởi, thực tế hiện nay có nhiều dự án đang được triển khai dở dang và nhiều người mua nhà đang bị mắc kẹt do chủ đầu tư đã đem tiền đầu tư dự án khác.

Anh Nguyễn Trường Giang (nhân viên ngân hàng) cho biết “Đối với dự án mà chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở thu nhập thấp hiện nay phần lớn là các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Khi chuyển sang nhà ở xã hội chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về thuế đất, hỗ trợ vốn vay điều này góp phần giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Thế nhưng khi mua nhà tại các dự án xin chuyển đổi theo kiểu này, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về năng lực tài chính của chủ đầu tư, không nên vay được tiền với lãi suất rẻ rồi mua nhà ở những dự án chủ đầu tư chậm triển khai vì rất rủi ro” anh Giang nói

vay mua nhà

Còn chị Nguyễn Thanh Vân (một người mua nhà) lại tỏ ra băn khoăn về lãi suất cho vay. Theo chị Vân, mặc dù ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay là 6% - một mức thấp chỉ bằng ½ lãi suất vay hiện nay tuy nhiên chưa có một thông tin nào cho thấy mức lãi suất này được giữ ổn định trong thời gian bao lâu.

Giả sử, các ngân hàng chỉ giữ mức lãi suất này cố định trong vài tháng rồi sau đó thả nổi theo thị trường như cách mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng thì rủi ro vẫn rất cao cho người mua nhà. Thực tế, đã có thời điểm lãi suất thả nổi lên tới 20%/năm khiến người mua nhà đã phải bán tháo nhà vì không có đủ tiền để trả lãi.

“Tôi cho rằng, mức lãi suất 6-8%/năm là hợp lý nhưng phải cố định mức lãi suất này trong vòng 1-2 năm. Chứ cứ 3-4 tháng lại điều chỉnh thì việc vay vốn ngân hàng là rất mạo hiểm.

Thực tế đã chứng minh trong năm 2011-2012, lãi suất cho vay liên tục bị điều chỉnh theo hướng tăng dần từ mức 10 -12 %/năm tăng cao hơn 20% -24%/năm. Ngay cả khi ngân hàng thương mại công bố việc hạ lãi suất cho vay thì nhiều người mua nhà vẫn phải oằn lưng trả lãi cao hơn 5-7%/năm so với mức lãi ngân hàng đang niêm yết. Nhiều người mua nhà lo ngại biến động này vì vậy họ sẽ không dám mạo hiểm vay tiền” chị Vân cho biết

Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra rất lo ngại về cơ chế cho vay của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại khi cho vay vốn đều đưa ra yêu cầu người mua nhà phải có sổ đỏ ngôi nhà khác để làm tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, phần lớn người thu nhập thấp không có nhà để ở phải đi thuê nhà thì không thể có sổ đỏ để thế chấp cho ngân hàng. Vì vậy, nếu không có những cơ chế cho vay mua nhà thì người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng cho dù lãi suất thấp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, ngân hàng nên cho phép những người mua nhà thu nhập thấp được dùng chính căn hộ đang mua làm tài sản đảm bảo cho nguồn vốn họ vay từ ngân hàng.

Bởi hiện nay, các ngân hàng đang đưa ra điều kiện không dùng tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp. Đây là ách tắc lớn nhất cần được tháo gỡ sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người thu nhập thấp.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn