Thực trạng này diễn ra như thế nào? Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có chính sách gì để hỗ trợ người dân, hoặc chí ít là không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ?
Người dân trong vùng Dự án Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước, Tiền Giang) đi làm thuê sau khi bị thu hồi đất.
|
Mua lại đất của mình với giá cao gần 469 lần
Năm 2000, UBND huyện Mộc Hóa (Long An) quy hoạch tuyến dân cư vượt lũ theo chủ trương của Chính phủ tại thị trấn Mộc Hóa. Sau khi có quyết định về quy hoạch, 28 hộ dân có đất bị thu hồi được chính quyền địa phương mời họp để triển khai công tác bồi thường.
Theo đó, chính quyền địa phương ưu tiên cho các hộ này được mua một lô đất tại tuyến dân cư trên chính đất bị thu hồi của họ để người dân có lối ra phần ruộng mà họ không bị thu hồi.
Giá thu hồi thời điểm này chỉ 5.000 đồng/m2 nhưng người dân vẫn tự nguyện giao đất vì lời hứa “ưu tiên” của địa phương. Thế nhưng, 13 năm đã trôi qua, các hộ dân này vẫn chưa được mua đất nên không có lối ra ruộng, diện tích đất canh tác nằm kẹt giữa khu dân cư nên phải bỏ hoang.
Theo ông Phạm Văn Rành – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Hóa, năm 2013 giá đất bán “ưu tiên” cho các hộ dân này là 150 triệu đồng/lô 64m2, cao gấp 469 lần so với lúc bị thu hồi (thu hồi 5.000 đồng/m2, bán lại cho dân 2.343.000 đồng/m2). Đây là giá ưu tiên, vì giá thực tế đến 250 triệu đồng/nền, tức cao gấp 781 lần so với đền bù cho dân.
Ông Đặng Minh Lũy – nông dân bị thu hồi đất trong vùng dự án nói: “Lỗi thuộc về chính quyền, bởi sau khi chúng tôi bàn giao mặt bằng, 7 năm sau họ mới cho san lấp, và mấy năm sau cũng không có nền để giao”.
Cũng theo người dân ở đây, nhiều năm nay việc quy hoạch đất đai luôn theo kiểu “trời kêu ai nấy dạ”, ai dính quy hoạch thì phải giao đất chứ không được bàn bạc với chính quyền, với nhà đầu tư để định đoạt tương lai của mình.
Bồi thường rẻ như bèo
Tình trạng trên cũng xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung. Vào năm 2007, UBND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) chủ trương thu hồi hơn 5ha đất nông nghiệp của gần 50 hộ dân để thực hiện Dự án khu dân cư chợ An Sơn. Thời điểm này, giá đất nông nghiệp ở đây chỉ được đền bù 10.000 - 14.000 đồng/m2. Hầu hết những hộ dân nơi đây bị mất 100% đất nông nghiệp.
Cùng thời điểm đó, HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam có nghị quyết nêu rõ: Đối với những hộ có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi từ một hay nhiều dự án với trên 30% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì bồi thường bằng đất sản xuất nông nghiệp. Nếu không còn đất bồi thường thì thực hiện phương án: Nếu đất nông nghiệp bị thu hồi 100m2 thì giao lại 10m2 đất để người dân sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Nở (66 tuổi) - người bị thu hồi đất để làm Dự án khu dân cư chợ An Sơn bức xúc: “Người dân ở đây bao đời sống nhờ vào nông nghiệp mà nay đất nông nghiệp bị thu hồi hết. Lúc đó, đất được bồi thường rất “bèo”, đất lúa hạng 3 là 14.000 đồng/m2, đất hạng 4 là 12.000 đồng/m2, đất hạng 5 là 10.000 đồng/m2.
Nói chung lúc đó, nhận 1m2 đất tiền bồi thường chưa mua được 1 tô phở. Với đồng tiền đền bù ít ỏi, người dân không đủ sống. Tin vào lời hứa của chủ đầu tư sẽ dành lại 10% đất để người dân có chỗ buôn bán nên lúc đó chúng tôi mới chấp nhận. Từ đó đến nay chúng tôi chờ hoài mà chẳng thấy 10% đất đâu… Cuộc sống cơ cực đủ bề”.
Ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Khai thác quỹ đất TP.Tam Kỳ, cho biết: Trước mắt, để giải quyết phần nào bất cập trên, phòng đang tham mưu cho UBND TP.Tam Kỳ dành 2.000m2 đất khu vực phía sau chợ để phân mặt bằng (mỗi lô khoảng 40m2) cho gần 50 hộ dân nơi đây vào đó buôn bán và trong vòng 2 năm đầu sẽ không phải đóng thuế. “Nếu hộ nào không có nhu cầu kinh doanh, buôn bán có quyền chuyển nhượng cho người khác” - ông Đức nói.
Không những người dân có đất bị thu hồi mà người dân có đất chưa bị thu hồi ở ĐBSCL, miền Trung... đều mong muốn các dự án lớn hay nhỏ, từ trung ương đến địa phương “né” bớt đất nông nghiệp ra, vì đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, củ khoai... Nếu đã thu hồi đất thì phải tính thật kỹ, sao cho nông dân tiếp tục có cuộc sống ổn định.
* Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. * Việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định của pháp luật; Cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường phải chi trả kịp thời cho người có đất bị thu hồi. * Giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. * Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất theo quy định sau đây: a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 124, Điều 125 của luật này và phần diện tích do được thừa kế (nếu có); b) Diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định tại Điều 124, Điều 125 của luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại. Trích một số điều trong chương VI, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Theo Dân Việt