Hàng trăm dự án sai phạm dẫn đến việc cấp chủ quyền nhà cho người dân khó khăn. Hàng chục ngàn ngôi nhà tiền tỉ nhưng chủ nhân không khác gì ở trọ trong ngôi nhà của mình và mòn mỏi đợi chờ.
Cần đẩy nhanh tiến độ làm sổ đỏ... để cứu bất động sản. Trong ảnh: Một chung cư cao cấp đang hình thành tại quận 7 - TP.HCM. |
Phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư
Đợt kiểm tra của đoàn thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) với các UBND quận, huyện tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM mới đây về tình hình cấp chủ quyền nhà đất cho người dân đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các dự án bất động sản đã được công bố.
Hàng ngàn người dân bỏ hàng tỉ đồng để mua nhà và mòn mỏi chờ từ vài năm đến trên dưới chục năm, nay mới biết ngôi nhà của mình đang sở hữu đúng nghĩa là ở trọ, vì không có mảnh giấy lận lưng và cũng chưa biết bao giờ hoàn thành. Không ít người trong số đó đã đến tuổi gần đất xa trời, muốn bán để chia gia tài cho con cháu hay làm di chúc để thừa kế nhưng cũng không phải dễ dàng vì trên danh nghĩa, họ chưa hoàn toàn sở hữu những ngôi nhà đó.
Nhiều người dân cho biết khi thắc mắc về giấy chủ quyền nhà ở với các chủ đầu tư thì hầu hết đều nhận được câu trả lời “đang làm”, “chờ Nhà nước”.
Tuy nhiên, theo như đại diện Sở TN-MT TP.HCM: “Khi hỏi đến trách nhiệm, hầu như chủ đầu tư nào cũng đổ cho cơ quan Nhà nước nhưng đa phần là lỗi xuất phát từ họ. Chúng tôi đã nhiều lần thúc giục nhưng họ vẫn lần lữa không xử lý, vì sợ lòi ra các sai phạm nên đành từ từ giải quyết để người dân bức xúc và phản ánh bắt buộc Nhà nước phải thực hiện đồng loạt”.
Cá biệt hơn, có những chủ đầu tư đã thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng để vay tiền phát triển dự án và đến nay chưa hoàn thành việc hoàn nợ cho ngân hàng nên sổ đỏ bị ngân hàng giữ không thể hoàn thành việc nộp hồ sơ ra chủ quyền nhà cho người dân. Tình trạng này đang ngày càng nhiều hơn, nhất là trong giai đoạn bất động sản khủng hoảng như những năm vừa qua.
Quản lý Nhà nước cũng có lỗi
Để dẫn đến tình trạng này, bên cạnh việc nhiều chủ đầu tư không tuân thủ luật pháp, thiếu tôn trọng khách hàng thì về phần quản lý Nhà nước cũng cho thấy việc cấp phép phát triển dự án bất động sản quá nóng và thiếu đi sự kiểm tra sát sao trong một thời gian dài nên đã mang đến hệ lụy này.
Và cả người dân - những người mua nhà - cũng không phải không gánh một phần trách nhiệm, dù không lớn. Việc tranh mua, đầu cơ, không tìm hiểu rõ dự án trước khi mua cũng như thiếu áp lực mạnh với các chủ đầu tư trong việc cấp chủ quyền cũng làm cho việc “ngâm” sổ đỏ càng trở nên nghiêm trọng.
Khi các doanh nghiệp bất động sản đang ngày ngày trông chờ vào Nhà nước, chờ bơm vốn của các ngân hàng hay thậm chí như kiến nghị mới nhất gần đây gây tranh cãi của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM là đánh thuế tiền tiết kiệm của người dân để “người dân chuyển vốn qua các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm bất động sản”, thì việc đầu tiên các doanh nghiệp bất động sản cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình là hoàn thành việc cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà cũng như hoàn thành các nghĩa vụ, cam kết với Nhà nước.
Để từ đó, việc cấp chủ quyền nhà cho người dân được nhanh chóng xử lý, trong ít nhiều tạo nên tính thanh khoản tốt cho nhà đất, giúp thị trường ấm hơn, gia tăng các giao dịch và lành mạnh hóa thị trường. Mặt khác, điều đó cũng làm cho người dân phục hồi niềm tin vào thị trường bất động sản.
Lượng nhà được cấp giấy chủ quyền mới đạt 19,3% Theo báo cáo của Bộ TN-MT, tại 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM từ năm 2001 đến nay đã phát triển 952 dự án nhà ở, với tổng số căn hộ chung cư và nhà liền kề được duyệt khoảng 330.000 căn. Tuy nhiên, số căn nhà được cấp giấy chủ quyền chỉ là 64.400 căn, đạt 19,3%. Theo ý kiến của các chuyên gia, khi đi mua nhà đất, người dân cần tỉnh táo với tình trạng “xây ảo, bán thật” như thời kỳ hoàng kim của bất động sản vài năm trước đây. Khi mua nhà cần phải yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận ngay cho người mua nhà để tránh trường hợp chủ đầu tư cố tình ngâm sổ đỏ của người dân để thế chấp vay vốn ngân hàng và cũng tránh các rủi ro sau này. Thay vì chờ người khác cứu thì phải tự cứu chính mình. |
Theo NLĐ