Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 02/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ (có hiệu lực từ ngày 22/4/2013 đến hết 31/12/2014).
Theo đó, những dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển khai thi công hoặc đã được triển khai nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu thị trường thì được phép chuyển đổi.
Chia nhỏ
Theo Thông tư 02, chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án xây dựng khu đô thị được điều chỉnh quy mô căn hộ thương mại có diện tích lớn sang căn hộ thương mại có diện tích nhỏ hoặc chuyển đổi các khối nhà chung cư và nhà ở thương mại thấp tầng sang làm nhà ở xã hội, công trình dịch vụ (bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, khách sạn,…) phải phù hợp nguyên tắc:
Bảo đảm an toàn, tiện lợi cho người sử dụng; căn hộ diện tích nhỏ sau khi chuyển đổi phải đủ không gian, diện tích sử dụng tối thiểu (bếp, công trình vệ sinh, phòng tắm…); diện tích căn hộ sau khi chuyển đổi không thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu thiết kế nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở...
Việc chuyển đổi được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành nhưng phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội và bán, cho thuê, cho thuê mua đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Các dự án đã nộp tiền sử dụng đất thì được Nhà nước hoàn trả số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã nộp cho Nhà nước trên cơ sở tính toán lại tiền sử dụng đất của dự án sau khi điều chỉnh.
Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở huyện Gia Lâm - Hà Nội. |
Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh mục đích sử dụng phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.
Các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án xây dựng khu đô thị có quy mô từ 500 căn hộ trở lên, trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định cho phép điều chỉnh cơ cấu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tổ chức việc chuyển các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ; điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên phạm vi địa bàn.
Chưa chắc dễ bán
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc cho phép chia nhỏ căn hộ thương mại chỉ là một trong rất nhiều giải pháp cần phải thực hiện để giải tỏa hàng tồn kho bất động sản.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang nghe ngóng, điều tra chứ chưa chắc đã muốn thực hiện ngay. “Quan trọng nhất là phải điều tra xem việc chia nhỏ căn hộ ấy hướng tới nhóm người mua như thế nào?
Trước kia, làm căn hộ cho người giàu, đi ô tô cách xa trung tâm TP trên 10-15 km cũng được nhưng giờ chuyển đổi để bán cho người nghèo thì phải xem mức sống, thu nhập của họ có đủ để mua không. Người thu nhập thấp luôn phải tằn tiện chi tiêu mà xây nhà xa như ở Việt Hưng (quận Long Biên - Hà Nội), Đại Thanh (huyện Thanh Trì - Hà Nội) thì người mua sẽ đắn đo” - ông Liêm nói.
Chủ đầu tư muốn chia nhỏ căn hộ thương mại ngoài mục đích bán được hàng tồn, còn muốn được hưởng các chính sách ưu đãi đi kèm như giảm tiền giá đất, được bảo trợ vay ngân hàng.
Theo TS Phạm Sĩ Liêm: “Đã cho phép chia nhỏ thì phải để chủ đầu tư tự do bán. Giá bán điều chỉnh theo nhu cầu thị trường và nhu cầu thu hồi vốn của chủ đầu tư chứ không thể đưa ra giá sàn và các điều kiện ràng buộc bắt người mua phải sử dụng 3-5 năm không được bán thì nhiêu khê lắm”.
Nhiều chuyên gia cho rằng để người thu nhập trung bình và thấp tiếp cận được nhà ở xã hội, Chính phủ phải ra tay thông qua việc hỗ trợ lãi suất ngân hàng, giúp vay tiền từ ngân hàng để mua nhà. Người dân trả cho chủ đầu tư một lần rồi trả lãi hằng năm chỉ bằng 50% - 70% so với lãi suất các ngân hàng đang áp dụng. Khi ấy, Nhà nước không cần một khoản tiền rất lớn trong thời gian ngắn mà vẫn tháo nút được cho hàng bất động sản tồn kho.
Thắc mắc, hỏi Bộ Xây dựng |
|
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng trực thuộc bộ thực hiện việc hướng dẫn, giải đáp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; tham mưu giúp bộ trưởng Bộ Xây dựng theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang làm dự án nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. |
Theo NLĐ