Đang có những tranh luận trái chiều về việc nên để thị trường bất động sản tự điều chỉnh để giá nhà giảm bắt kịp thu nhập của người dân thay vì giải cứu, quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này thế nào?
Tôi chưa bao giờ dùng từ giải cứu, bởi vấn đề cần làm là tháo gỡ khó khăn, định hướng cho thị trường bất động sản phát triển.
Bất động sản là hàng hóa đặc biệt, có tính liên thông với thị trường khác nhất là tài chính. Đó là chưa kể đất đai là tài nguyên quốc gia, không sinh sôi nảy nở được. Khi không có ôtô, người dân dùng phương tiện khác thay thế như taxi, xe bus, xe máy hay xe đạp nhưng nhà thì phải có dù là đi thuê.
Nhà ở là nhu cầu cơ bản chỉ đứng sau nhu cầu ăn uống. Khi một người dân, một doanh nghiệp hay một ngành nghề khó khăn thì Nhà nước cũng nên hỗ trợ huống chi bất động sản là một lĩnh vực quan trọng và là đầu ra của hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất…
Do đó khi thị trường bất động sản khó khăn, Nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do hay tự phát triển. Cách đây 2 năm, khi bất động sản được xếp vào nhóm phi sản xuất, tôi đã có ý kiến và đến nay điều này đã được ghi nhận. Bất động sản không phải tội đồ vì hiện góp tới 10% GDP, đối với một số nước tỷ lệ này lên tới 20-30%.
Nguyên nhân khó khăn của thị trường bất động sản đang gây tranh cãi, có ý kiến cho rằng do thiếu vốn, số khác đổ lỗi giá quá cao. Theo Thứ trưởng, đâu mới là lý do thực sự?
Nguyên nhân chính là thị trường bất động sản thiếu quy hoạch đặc biệt là kế hoạch. Đơn cử, có bao nhiêu đất để làm nhà theo quy hoạch đến năm 2050 thì nay đã cấp hết thay vì từng giai đoạn để tương ứng với cầu. Cấp nhiều nhưng doanh nghiệp lại không có tiền làm dẫn đến thực tế các dự án chỉ là đồng ruộng, bãi cỏ. Cơ cấu hàng hóa không chuẩn, nhà quy mô lớn sang trọng nhiều trong khi nhà đáp ứng đại bộ phận người dân lại ít.
Đây là lỗi của Nhà nước, trong đó chủ yếu thuộc về chính quyền các cấp. Doanh nghiệp “xin” là chính quyền “cho” mà không để ý đến đầu ra. Bài học về sân golf, nhà ở bất động sản là minh chứng rõ điều này.
Tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp bất động sản còn kém. Khi có lãi hàng loạt doanh nghiệp đua nhau đầu tư bất động sản thậm chí thủy sản, điện lực, dầu khí cũng làm địa ốc trong khi lộ trình làm dự án rất phức tạp, cần nguồn lực lớn đặc biệt là tiền.
Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế, điều kiện pháp luật kinh doanh bất động sản quá dễ dàng, thậm chí dễ dãi. Thủ tục hành chính kéo dài mất nhiều công sức tiền bạc cũng góp phần đẩy giá thành lên cao, đặc biệt là tiền đất. Tính thiếu thông tin minh bạch cũng làm cho tình trạng đầu cơ “có đất làm ăn”.
Bất động sản không hồi phục nhanh nhưng sẽ thận trọng và bền vững hơn. |
Ông đánh giá thế nào về quan điểm nhiều doanh nghiệp địa ốc làm ăn chụp giật cần phải để phá sản thay vì Nhà nước phải bỏ ngân sách hạn hẹp ra để hỗ trợ?
Không phải tất cả làm ăn chụp giật, đa số các doanh nghiệp có ý thức làm ăn nghiêm túc, lâu dài. Vấn đề là năng lực các mặt còn hạn chế. Doanh nghiệp bất động sản phía Nam hiện gặp nhiều khó khăn hơn phía Bắc do vay mượn ngân hàng nhiều. Tỷ trọng dư nợ bất động sản phía Nam chiếm xấp xỉ 50% của cả nước trong khi khu vực phía Bắc chỉ chiếm dưới 20%.
Khi thị trường khó khăn thì một câu hỏi được đặt ra là tháo gỡ thế nào. Vấn đề ở chỗ là Nhà nước không bỏ tiền trực tiếp cho doanh nghiệp mà cái cần là giúp tạo được lòng tin của người dân và đưa ra cơ chế minh bạch, thông thoáng.
Chính phủ chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với chiến lược phát triển nhà ở, giải quyết chỗ ở cho người nghèo. Nhà ở thương mại thừa trong khi nhà xã hội thiếu thì doanh nghiệp chuyển đổi sang nhà xã hội, căn hộ to không ai mua thì chia nhỏ.
Dự thảo thông tư Ngân hàng Nhà nước Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 lại bỏ quên cơ chế hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội (thu nhập thấp), đối tượng đáng được hưởng ưu đãi nhất. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này thế nào?
Luật Nhà ở 2005 không cho phép bán nhà xã hội đầu tư bằng vốn ngân sách cũng có nghĩa là nếu đầu tư bằng vốn thương mại thì được phép mua bán, tất nhiên vẫn phải khống chế đối tượng.
Quan điểm của Bộ Xây dựng là người mua nhà xã hội phải thuộc đối tượng được hỗ trợ và Thủ tướng cũng ủng hộ điều này. 30.000 tỷ là để cho doanh nghiệp xây nhà thương mại giá rẻ, nhà xã hội và người mua nhà thu nhập thấp. Tôi cho rằng nên dành 2/3 số vốn để hỗ trợ cho người mua nhằm tạo thị trường, số còn lại hỗ trợ doanh nghiệp để tạo ra hàng hóa bất động sản.
Lãi suất cho vay nếu chỉ ổn định 6% trong vòng 3 năm là ngân hàng nắm đằng chuôi và có thể khiến người dân gặp khó khăn, bởi họ không thể biết 7 năm còn lại có thể chịu được “nhiệt” không.
Tôi cho rằng, có 2 phương án, nguồn vốn với lãi suất ổn định 6% trong vòng 10 năm hoặc cố định trong 3 năm đầu. 7 năm còn lại, lãi suất cho vay đối tượng thu nhập thấp bằng 50% lãi suất thương mại. Có như vậy, người dân mới hào hứng đi mua nhà.
Một số chuyên gia lo ngại, sau khi qua được giai đoạn khó khăn, bất động sản lại đi vào vòng luẩn quẩn là gặp làn sóng đầu cơ mới đẩy giá nhà lên cao. Ông chia sẻ mối lo này thế nào thưa Thứ trưởng?
Khâu tháo gỡ khó khăn tập trung chủ yếu vào nhà ở xã hội được Nhà nước kiểm soát chặt nên không thể tăng giá. Còn khu vực nhà thương mại giá rẻ thì chính sách mang tính chất hỗ trợ cốt lõi để lấy lại lòng tin của người dân.
Thị trường sau khi điều chỉnh đã dạy cho doanh nghiệp, người dân thậm chí cả cơ quan quản lý Nhà nước một bài học. Doanh nghiệp thấy rằng tăng giá sẽ không bán được hàng thậm chí có thể chết. Khi Bộ và địa phương rà soát, điều chỉnh cho ngừng một số dự án, cung cầu sẽ dễ dàng gặp nhau hơn.
Bộ Xây dựng đang triển khai rà soát điều chỉnh sửa đổi lại Luật xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng công khai minh bạch.
Ví dụ, có thể điều chỉnh để người nước ngoài và Việt kiều mua nhà. Trước đây mình quá chặt chẽ nên nhiều người nước ngoài, Việt kiều không được sở hữu nhà ở trong khi nguồn cung nhà thương mại đang nhiều. Tất nhiên trong bất động sản đâu đó sẽ có lẻ tẻ một vài dự án đầu cơ, nhưng nếu lo sợ lại tăng giá mà không hỗ trợ thì rất nguy hiểm.
Tôi cho rằng, một số ý kiến quá lo xa, nói vui thế này, nếu cứ lên máy bay thì sợ rơi, ở cao tầng lo cháy thì không thể phát triển được. Phải thay đổi tư duy, tìm cách phát triển rồi quản lý mới là cách làm thông minh.
Với hàng loạt các chính sách đưa ra, theo ông bao giờ thị trường bất động sản sẽ hồi sinh?
Thực ra rất khó dự đoán. Tuy nhiên, một khi Chính phủ đã nhận ra vấn đề và đã có hành động, thì chắc chắn tình hình thị trường sẽ thay đổi.
Trước hết sẽ tập trung hỗ trợ nhà ở xã hội sau đó là phân khúc giá rẻ để kích thích lòng tin của người dân từ đó giao dịch sẽ lan tỏa ra phân khúc khác. Một số nhà kinh tế nói là người dân đã có lòng tin giá bất động sản đã xuống đáy và đây là tín hiệu mừng vì sắp đi lên.
Cá nhân tôi cũng biết nhiều người đã nhờ mua nhà, họ có tiền nhưng tâm lý là trông chờ xem đã xuống đáy chưa. Nửa cuối 2013 kinh tế sẽ hồi phục, trong đó bất động sản sẽ ấm trở lại. Tôi cho rằng, bất động sản không hồi phục nhanh nhưng sẽ thận trọng bền vững hơn.
Theo VnExpress