Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 1996 với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Chỉ tính riêng số tiền để giải phóng mặt bằng, tính đến cuối tháng 1/2013, TP.HCM đã phải chi hơn 16.600 tỷ đồng. Ngoài ra TP còn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông để nối bán đảo Thủ Thiêm với các quận 1, Bình Thạnh và xây dựng nhà tái định cư cho người dân bị giải tỏa.
Tính đến cuối tháng 1/2013, thành phố đã di dời 14.123 hộ, đạt tỷ lệ giải phóng mặt bằng gần 98%. Tuy nhiên, ngoài các công trình hạ tầng giao thông như cầu Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây, đường hầm sông Sài Gòn và các dự án nhà tái định cư thì hầu như không còn công trình nào khác.
Mới đây nhất, thành phố cũng đã quyết định xây dựng nhà hát giao hưởng ở công viên 23/9 (quận 1) thay vì sẽ xây ở khu đô thị Thủ Thiêm vì sợ phải chờ rất lâu khu đô thị mới hình thành.
Dân cư đã được giải tỏa nên khu Thủ Thiêm giờ hoang vắng, là khu vực "lý tưởng" cho tội phạm cướp giật và ma túy.
Công an phường An Lợi Đông đã phải treo biển cảnh báo người dân dù chỉ cách trung tâm trung tâm quận 1 chưa đầy một km.
Dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm với số vốn lên đến 1,2 tỷ USD, song sau 3 năm khởi công dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Chủ đầu tư không đóng tiền sử dụng đất cũng không triển khai bất cứ hạng mục nào nên TP đã quyết định thu hồi dự án.
Sau 17 năm được quy hoạch, đến nay Thủ Thiêm vẫn còn là một vùng đầm lầy với cỏ lau, dừa nước. Một số chủ đầu tư khác cũng rút lui "vì kinh tế khó khăn". Theo BQL Đầu tư xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm, gần như toàn bộ khu vực dân cư và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của KĐT đã có nhà đầu tư nhưng mới chỉ đặt vấn đề nghiên cứu và làm thủ tục đầu tư.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tương lai về một đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á có lẽ vẫn còn khá xa vời và chưa biết khi nào mới thành hiện thực.
Theo VnExpress