TS Alan Phan cho biết, sau khi nhận được lời mời đối thoại từ Câu lạc bộ (CLB) bất động sản (BĐS) Hà Nội cùng với lời khuyên của các bậc "trưởng thượng", cũng như nhận thấy rằng đất nước đang cần những cuộc thảo luận rộng mở về các vấn đề này, nên việc ông "buông súng nước đầu hàng" sẽ làm ô nhiễm, xâm phạm đến danh dự của các vị “kẻ sĩ”. Chính vì vậy, TS. Alan Phan đã chính thức nhận lời tham dự một cuộc “tranh luận trí thức” theo những quy định sau:
TS Alan Phan đã nhận lời đối thoại cùng các DN bất động sản. |
- Tổ chức: Sẽ do một viện hoặc trường đại học và Hiệp hội BĐS TP.HCM (ông Lê Hoàng Châu làm chủ tịch).
- Mục tiêu: Tạo nhiều góc nhìn đa chiều về vấn nạn BĐS với nhiều quan điểm độc lập và thực tiễn. Đề nghị những giải pháp khả thi và có cơ sở.
- Địa điểm: Tại một hội trường của viện hoặc trường đại học.
- Thời gian: Sau ngày 26/4 và trước ngày 12/5 (vì ông chỉ có mặt ở Việt Nam vào thời điểm này).
- Điều phối viên: Một giáo sư do viện hoặc trường tuyển chọn.
- Đề tài: Do Ban tổ Chức quyết định.
- Tham dự: Khoảng 8 nhân vật có uy tín trong các ngành nghề liên quan đến BĐS.
TS.Alan Phan cũng đề xuất 8 nhân vật để Ban tổ chức mời tham dự. Về chuyên viên: TS Phạm Đỗ Chí, LS Nguyễn Ngọc Bích, TS Võ Trí Thành, GS Đặng Hùng Võ, TS Cao Sỹ Kiêm, TS Trần Du Lịch.
Ngân hàng và quỹ: Ông Don Lâm (Vina Land), ông Trương Văn Phước (Eximbank), ông Peter Ryder (Indochina Capital), ông Nguyễn Đăng Hưng (SSI), ông Trần Mộng Hùng (ACB).
DN BĐS: Ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL), ông Nguyễn Xuân Quang (Nam Long), ông Nguyễn Văn Đực (Đất Lành).
"Không có kẻ thắng người thua trong tranh luận dựa trên trí thức. Không ai độc quyền chân lý. Một cuộc tranh luận cởi mở trên một sân chơi bằng phẳng là đích đến mong đợi của mọi người dân sau những ồn ào hỗn loạn của PR và tâm lý bầy đàn", TS Alan Phan chia sẻ.
Theo Đất Việt