Vướng vẫn hoàn vướng
Theo số liệu chính thức của của Bộ Xây dựng (trong báo cáo gửi cho Chính phủ), tính đến trung tuần tháng 7/2013, trên phạm vi toàn quốc, đối với khách hàng là cá nhân, mới chỉ có 56 trường hợp được tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng, tổng số tiền được giải ngân 11 tỉ đồng. Tính bình quân, mỗi hợp đồng có giá trị chưa đến 200 triệu đồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - đây là một kết quả gây thất vọng. Trong khi nhu cầu vay vốn có ưu đãi lãi suất để tạo lập chỗ ở của xã hội là rất lớn.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, nguyên nhân của tình trạng này là do không có một sự minh bạch và thống nhất về thủ tục, điều kiện để được vay mua nhà. Điển hình như việc hiện nay 5 NHTM được chỉ định thực hiện cho vay gói 30.000 tỉ đồng, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu.
Một trong những chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn quận 7 chuyển sang làm nhà ở xã hội. |
Nhận định về kết quả sau 2 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, giám đốc một DN kinh doanh BĐS cho rằng: “Đến hiện nay vướng mắc lớn nhất để người dân tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng là xác nhận chưa có nhà ở (một trong những điều kiện để có thể vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng) vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng bị vướng vào vướng mắc này.
Chỉ khi nào vướng mắc này tháo gỡ thì người dân mới có thể tiếp cận nguồn vốn có ưu đãi lãi suất này và mới có thể đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỉ đồng.
Hiện nay người dân cầm hồ sơ tới NH thì NH bắt phải về địa phương cư trú xác nhận là chưa có nhà ở. Địa phương chỉ đồng ý xác nhận là có cư trú chứ không dám xác nhận chưa có nhà ở vì có thể người xin xác nhận không có nhà tại địa phương đang cư trú nhưng có thể có nhà ở nơi khác. Chính quyền địa phương và NH cứ đẩy qua đẩy lại, chỉ có người dân đứng giữa là chịu thiệt”.
Trước đó, trong buổi giao lưu trực tuyến về nhà ở xã hội (NOXH) và gói tín dụng 30.000 tỉ đồng trên địa bàn TP.HCM, vướng mắc xác nhận tình trạng nhà ở cũng được xác định là vướng mắc chính.
Đại diện NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết là không có thẩm quyền giải quyết và đã báo cáo lên trên giải quyết. Vướng mắc này đã xuất hiện ngay sau khi triển khai gói 30.000 tỉ đến nay đã 2 tháng trôi qua mà vẫn chưa có hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Horea - thì cho rằng, kết quả sau 2 tháng triển khai gói 30.000 tỉ đồng không chỉ là thất vọng mà quá thất vọng.
Cho vay có hỗ trợ lãi suất để các đối tượng khó khăn nhà ở có thể vay mua nhà là một chủ trương lớn của Chính phủ đã có từ tháng 1/2013, được xã hội kỳ vọng rất nhiều mà kết quả như vậy thì dùng cụm từ “thất vọng” là không mô tả hết. Lẽ ra các cơ quan chức năng phải lường trước được những vướng mắc mà có hướng xử lý chứ không phải để đến khi chính thức triển khai gói 30.000 tỉ rồi mới xử lý.
Trong suốt 2 tháng kể từ ngày triển khai gói 30.000 tỉ đồng các cơ quan chức năng cứ hết giải quyết vướng mắc này đến vướng mắc khác chứ có làm thực tế được bao nhiêu.
Ngân hàng Nhà nước “đấu” với Hiệp hội BĐS TP.HCM
Sau gần 1 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, Hiệp hội BĐS TP.HCM đã có công văn số 45 gửi cho Chính phủ, các bộ Xây dựng, Tài chính... và NHNN kiến nghị loạt vấn đề liên quan đến gói tín dụng này.
Theo Horea, có rất nhiều dự án nhà ở xã hội khởi công mới lấy nguồn vốn từ gói 30.000 tỉ đồng. Như vậy, trong tương lai nguồn cung NOXH sẽ tăng lên. Trong khi đó, mục tiêu của Nghị quyết 02 là giải quyết hàng tồn kho, nhất là các công trình NOXH, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được hoặc đang xây dựng dở dang (tạm gọi là chệch hướng).
Đáp lại, các kiến nghị của Horea, NHNN vừa có văn bản trả lời các kiến nghị của Horea do Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh ký.
NHNN cho rằng: “Nghị quyết 02 của Chính phủ... không đề cập đến vấn đề giải cứu thị trường BĐS hay giải phóng hàng tồn kho mà đề ra giải pháp hỗ trợ nhà ở cho đối tượng khó khăn về nhà ở và theo NHNN thực hiện tốt mục tiêu chính là hỗ trợ nhà ở cho đối tượng này sẽ góp phần giải phóng hàng tồn kho, qua đó có tác động tích cực và lan tỏa đến thị trường BĐS”. Như vậy, có thể hiểu là NHNN khẳng định không có sự chệch hướng đối với gói 30.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, có rất nhiều điểm khác trong kiến nghị của Horea về thời hạn cho vay, tài sản thế chấp, tỉ lệ cho vay cá nhân và DN... cũng được NHNN trả lời. Tuy nhiên có thể thấy giữa văn bản kiến nghị của Horea và văn bản trả lời của NHNN trong nhiều vấn đề nhìn chung vẫn còn một khoảng cách khá lớn trong cách nhìn về gói 30.000 tỉ đồng.
Chiều 30/7, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Lê Hoàng Châu cho biết, sẽ tiếp tục gửi văn bản đến NHNN trao đổi một số vấn đề liên quan đến công văn trả lời của NHNN về các kiến nghị của Horea.
Theo Lao Động