Theo đó, ngoài việc thống kê số lượng, giá trị giải ngân tính đến trung tuần tháng 7, Bộ Xây dựng cũng làm rõ một số băn khoăn, hoài nghi của dư luận về mục tiêu và sự thiếu công bằng trong quá trình triển khai gói 30.000 tỷ.
Đã có hơn 50 khách hàng cá nhân được vay
Theo Bộ xây dựng, tính đến trung tuần tháng 7 năm 2013, trên địa bàn cả nước đã có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 4.700 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ.
Đã có 2 doanh nghiệp bất động sản và 56 khách hàng cá nhân vay mua nhà được giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. |
Về tiến độ giải ngân, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Thừa Thiên - Huế với số tiền là 117.709 triệu đồng và Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP.HCM với số tiền là 540.000 triệu đồng; ngoài ra đã giải ngân cho Công ty Cổ phần Vicoland với số tiền là 34 tỷ đồng.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, tính đến trung tuần tháng 7/2013, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng. Hiện các ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02 đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay, riêng Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ và đang tiến hành việc thẩm định để cho vay theo quy định.
Xây nhà dưới 15 triệu/m2 cũng không được vay
Trong báo cáo của mình, Bộ Xây dựng cũng làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm, trong đó có ý kiến của Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khi ông này cho rằng “xây dựng nhà ở xã hội là rất đáng hoan nghênh nhưng phải sử dụng nguồn vốn khác. Gói 30.000 tỷ đồng chỉ nên dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/ m”.
Theo Bộ Xây dựng, Nghị quyết 02 của Chính phủ đã nêu rõ "Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng”.
Như vậy, điều đó có nghĩa rằng, Nghị quyết 02 đã quy định rõ đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Đồng thời nghị quyết này cũng quy định đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang thành nhà ở xã hội.
Do đó, theo Bộ Xây dựng, nếu cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội phải sử dụng nguồn vốn khác, nguồn vốn 30.000 tỷ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 là không đúng với nội dung quy định của Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên dành gói hỗ trợ 30.000 tỷ để hỗ trợ việc giải phóng hàng tồn kho bất động sản và cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng được vay. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng lý giải, theo quy định của Nghị quyết 02 thì đối tượng là tổ chức được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ bao gồm các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, bao gồm cả dự án thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 không thuộc diện được vay từ gói hỗ trợ, do đó các văn bản hướng dẫn việc cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không quy định cho phép các đối tượng này được vay là phù hợp với nội dung của Nghị quyết 02.
Bộ Xây dựng nhận thấy hàng tồn kho bất động sản không chỉ bao gồm các sản phẩm nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang mà còn bao gồm cả các dự án đã triển khai việc giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoặc đã đầu tư xây dựng một phần công trình... Hầu hết các dự án nhà ở xã hội được triển khai đều được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới.
Để có quỹ “đất sạch” 20%, các doanh nghiệp và cả khách hàng góp vốn đã đầu tư chi phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu. Như vậy, việc sử dụng gói hỗ trợ để cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội là giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, đó là vừa góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn, đồng thời vừa giải quyết tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng và các hàng hoá khác.
Không có chuyện “thiên vị” doanh nghiệp
Phản hồi trước thông tin TP.HCM có nhiều dự án nhưng không được vay vốn, các chủ đầu tư được vay vốn phần lớn đều là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và ở phía Bắc, Bộ Xây dựng cho biết, ý kiến đánh giá này là không có cơ sở, không đúng với tình hình thực tế.
Bởi lẽ, trong số 30 dự án mà Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét để cho vay thì chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp nhà nước (chiếm 13%), 4 doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối (chiếm 13%), còn lại là 22 dự án của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác (chiếm 74%). Trong đó TP.HCM có 5 dự án, thành phố Đà Nẵng 6 dự án, thành phố Hà Nội có 4 dự án, tỉnh Đồng Nai có 3 dự án, các địa phương còn lại (Thừa Thiên- Huế, Kiên Giang...) chỉ có 1 dự án.
Bộ khẳng định, theo tiêu chí xác định doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi theo Thông tư số 07/2013 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác thuộc các thành phần kinh tế, cũng như không có sự phân biệt khác nhau giữa các địa phương theo vùng miền.
Đáng chú ý, lý giải về dư luận cho rằng, việc triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng chỉ tập trung ưu tiên đối với các doanh nghiệp mà ít quan tâm tới nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, cá nhân, Bộ Xây dựng khẳng định, các văn bản hiện này đã quy định rất cụ thể và rõ ràng về đối tượng (bao gồm cả doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân) cũng như điều kiện được vay vốn đối với từng loại đối tượng.
Riêng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã ký với chủ đầu tư sau ngày 7/1/2013. Quy định này đòi hỏi các chủ đầu tư dự án phải có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn.
Tuy nhiên, do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.
Do đó, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung để đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng. Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân mới có thể đẩy nhanh được theo quy định.
Cũng theo Bộ Xây dựng, cho đến nay, chưa phát hiện thấy một trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng phía ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong việc giải ngân.
Theo VnEconomy