Hệ lụy từ... "tay không bắt giặc"
Ông Nguyễn Văn Đực tiết lộ, phần đông doanh nghiệp kinh doanh BĐS vốn ít, nhiều khi chỉ khoảng 10-20% (tổng giá trị đầu tư) là bước vào đầu tư. Phần còn lại, là "xúc tác" từ ngân hàng và khách hàng. Với năng lực tài chính yếu kém, cộng thêm tâm lý "ăn đong" và xu hướng đầu tư theo đám đông, không khó ngạc nhiên nếu trong thời gian tới đây sẽ xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp phải dính vòng lao lý.
Lo ngại những bất cập trong việc công ty mua bán nợ mua lại các dự án BĐS đang "chết yểu", LS Nguyễn Minh Đức (đoàn LS TP.Hà Nội) băn khoăn không hiểu hoạt động này sẽ đứng về phía quyền lợi của ai. Khách hàng mua nhà, doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng?
Theo LS Đức, thời gian gần đây, nhiều đại gia BĐS rơi vào cảnh lao lý vì hành vi lừa đảo. Số phận của hàng trăm, hàng nghìn khách hàng đang bị "treo ngược cành cây", đặc biệt là những khách hàng mua nhà trên giấy. Nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản hiện chiếm tới 67% tổng số nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Không ít doanh nghiệp kinh doanh BĐS là "sân sau" của các ngân hàng thương mại. Vậy, công ty mua bán nợ mua lại các dự án này phải chăng là để cứu các "sân sau" của ngân hàng!?.
LS Đức phân tích, sau khi mua lại dự án, công ty mua bán nợ có quyền bán khoản nợ này theo quy định. Nếu như dự án không được tiếp tục triển khai, quyền lợi của khách hàng vẫn bị bỏ ngỏ. Rủi ro dễ thấy nhất chính là khách hàng, người dân phải hứng chịu. Khách hàng đầu tư tiền để chủ đầu tư phát triển dự án. Khi dự án bị đình trệ, khách hàng trở thành chủ nợ của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư phá sản, doanh nghiệp bị đổ bể và phải xử lý về tài sản, hiện nay các ngân hàng vẫn là đối tượng được ưu tiên thanh toán nợ trước. Phần còn lại mới được phân chia cho người dân. "Vậy mục đích hướng đến có phải vì quyền lợi người dân không?", vị này đặt câu hỏi.
Giữ nợ xấu để làm... "con tin"?
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế (không tiện nêu tên - PV) băn khoăn, trong bối cảnh hoạt động của thị trường BĐS chưa được minh bạch, mối quan hệ giữa BĐS với các ngân hàng chằng chịt như hiện nay thì sẽ khó tránh khỏi hệ lụy. Một thời gian sau, nợ xấu rất dễ tiếp tục quay trở lại. Tại sao, các ngân hàng không tự xử lý nợ xấu của chính mình khi họ cũng có công ty mua bán nợ xấu?
"Vấn đề đặt ra ở đây không phải là giải quyết nợ xấu của bản thân ngân hàng, mà việc các ngân hàng tự xử lý nợ xấu của chính mình chỉ mang tính chất cục bộ. Chỉ có một số ngân hàng có quy mô nợ xấu nhỏ và thấp mới giải quyết được nợ xấu của chính mình", chuyên gia này lý giải.
Nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn khi nợ xấu được mua theo giá sổ sách, chứ không phải giá thị trường, dẫn đến khả năng các doanh nghiệp sẽ không chấp nhận bán. Nói một cách đơn giản, họ thà chấp nhận "ôm cục nợ" còn hơn bán với giá chỉ bằng 50 - 60%.
Lý giải cho điều này, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: "Hiện tại, nợ xấu ngân hàng phần lớn là BĐS hoặc có liên quan đến BĐS. Lượng BĐS này cũng phần nhiều là của cổ đông lớn của ngân hàng, hoặc những người có liên quan. Nếu công ty mua bán nợ xấu mua theo giá thị trường chắc chắn họ sẽ không bán. Họ sẽ tiếp tục duy trì khoản nợ xấu này như là "con tin".
Nếu không xử lý nhanh sẽ "chết"! Nếu theo đúng kịch bản trên, "bài toán phá băng" sẽ không được giải quyết, dòng tiền "bơm" ra thị trường vẫn bị tắc nghẽn. Để giải quyết những khúc mắc kể trên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, công ty mua bán nợ cần chọn phương án chấp nhận chịu thiệt để mua nhanh được nợ xấu, "phá băng" tín dụng. "Theo kinh nghiệm xử lý nợ xấu cho thấy nếu không xử lý nhanh sẽ "chết", TS Nghĩa nói thêm. |
Theo NĐT