Phối cảnh dự án Beehome 2 |
Thay đổi tâm lý sở hữu…
Trong Dự thảo này, Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Phương án 1 là không quy định thời hạn sở hữu. Phương án 2 có quy định thời hạn sở hữu, với mốc thời gian đưa ra bằng thời gian thuê đất hoặc là 70 năm. Khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước.
Việc sở hữu căn hộ có thời hạn đã được áp dụng ở nhiều nước, ví dụ như khu vực Quảng Tây (Trung Quốc) là địa phương giáp với Việt Nam đã áp dụng từ lâu việc sở hữu căn hộ 50 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đưa vấn đề sở hữu căn hộ có thời hạn ra bàn thảo ở Việt Nam, lực cản lớn nhất là tư tưởng bảo thủ của người Việt về sở hữu tài sản vĩnh viễn để có thể an cư hoặc để lại cho con cháu.
Bởi vì, một logic thông thường dễ thấy là nếu chung cư được sử dụng vĩnh viễn thì giá căn hộ sở hữu tùy từng thời điểm theo vận động của thị trường, có độ vững bền nhất định, trong khi đó, chung cư sở hữu có thời hạn thì càng để lâu, tức là càng gần điểm “hết hạn”, chung cư càng mất giá.
Liên quan đến việc bán chung cư có thời hạn, hay giờ là sở hữu căn hộ có thời hạn, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM từng cho rằng, đây là phương thức giúp thị trường bất động sản có thêm sản phẩm mới với giá hợp lý, như vậy sẽ phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người hơn. Ông Lê Anh Tuấn, đại diện một doanh nghiệp (DN) phát triển BĐS, cho rằng, 70 năm cũng là thời hạn sử dụng khá dài, dù có mốc thời gian nhất định nhưng về cơ bản, giá trị sử dụng của nó cũng tương đương căn hộ không quy định thời hạn, nên khó có thể giảm giá đáng kể, nhưng lại vấp rào cản tâm lý.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Giám đốc Cty Đức Anh chuyên kinh doanh BĐS – cũng băn khoăn làm sao giải quyết được vấn đề tâm lý khi đưa ra mốc thời hạn cho sở hữu BĐS. “Nếu giá của chung cư có thời hạn chỉ bằng một nửa giá của chung cư sử dụng vĩnh viễn thì tôi mới lựa chọn, còn nếu không, tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để được sở hữu nhà ở vĩnh viễn, bảo toàn giá trị tài sản của tôi”, ông Lịch nói.
Thêm sự lựa chọn?
Gần đây, một số DN cũng đã đưa ra ý tưởng bán căn hộ trong khoảng thời gian nhất định, nhưng mục đích của DN không phải là nhằm thay đổi thói quen sở hữu tài sản mà là để giảm giá và kích cầu BĐS. Vì thế, sau khi cân nhắc thiệt hơn, không ít khách hàng đã “quay lưng” với loại sản phẩm này. Một số khách khách bất đắc dĩ phải thuê loại BĐS đó vẫn trong tâm trạng tìm cách sở hữu vĩnh viễn một BĐS.
Tại TP.HCM, Cty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành đang có giao dịch loại căn hộ cho thuê 15 năm với giá trọn gói 240 triệu đồng và loại căn hộ cho thuê 49 năm với giá 350 triệu đồng tại dự án Lê Thành Twin Towers (quận Bình Tân, TP.HCM), thực chất cũng là một phương thức tương đương phương thức sở hữu quy định trong Dự thảo Luật lần này. Dự án Beehome 2 và Beehome 3 (quận Gò Vấp – TP.HCM) của C.T Group cũng áp dụng phương thức này…
Tuy nhiên, kiến trúc sư Lê Minh Hải - một chuyên gia BĐS - lại chia sẻ với Pháp luật Việt Nam rằng, nếu hành lang pháp lý cho vấn đề này được “dọn” sạch sẽ và giá cả cho BĐS chấp nhận được thì có thể “tấn công” vào phân khúc khách hàng trẻ thu nhập có hạn và dễ thích nghi, thay đổi trong môi trường xã hội mới. “Vì thế, quy định này rất có triển vọng thực tế” – ông Hải nói.
Theo Phapluat