Người đàn ông 30 năm không ngủ

Thứ năm, 19/04/2012, 14:47
Nhiều người ao ước thức được như ông để có thêm thời gian làm những điều mà họ mong muốn, nhưng ông Thái Ngọc chỉ ao ước tìm lại được giấc ngủ mà ông từng có thời trai trẻ, dù chỉ một đêm!

Các tin khác

>>Đồng Tháp: Không phát hiện cá diêu hồng nhiễm chất cấm
>>Gái 17 bắt cóc tống tiền gần 1 tỷ đồng
>>An Giang: Cả nhà sống chung 40 năm với xác con trai không phân hủy


Đêm dài thiếu mộng

Chứng mất ngủ bắt đầu vài năm sau khi ông bị thương trong chiến tranh khiến một cánh tay không hoạt động bình thường. “Thời gian đầu mất ngủ rất mệt, ban đêm đi nằm, trông cho ngủ, nhưng mắt cứ mở. Vợ con đưa đi khám hết chỗ này tới chỗ khác, bác sĩ cũng bày đủ cách ăn thứ chi, uống lá chi cho dễ ngủ nhưng vẫn chẳng thể ngủ được”, ông Ngọc kể.

Không ngủ được, ông bỏ căn nhà ngoài xã, đến chân một ngọn đồi dựng căn nhà tạm, phát hoang đất rừng trồng cây, đào ao cạnh suối thả cá, làm chuồng nuôi vài con gà, chăn trâu bò kiếm sống. Nơi ông ở gọi là nhà cho sang, chứ chỉ là cái lều hai vách. “Tôi ở đây một mình, có ngủ đâu, làm cửa chi để phải đóng mở”, ông cười.

Lúc gia đình còn nghèo, ông làm việc cật lực, lãnh việc làm thuê cả ngày lẫn đêm. Khi con cái có gia đình ở riêng, và tuổi ông cũng cao thì công việc ông làm chỉ với mục đích cho hết ngày. Thời gian hơn vạn đêm không ngủ của ông dài như vô tận. Vườn cây ông trồng có cam, bưởi, chuối… Mỗi lần thu hoạch lúa có tiền ông mua vài con gà, con ngỗng về thả trong vườn. Nhưng “tôi trồng cây, nuôi gà cho hết ngày chứ không phải để làm giàu. Mà giàu có làm gì, chỉ mong ngủ được như xưa thôi”, ông nói.
 

Ông Ngọc ra đồng để... giết thời gian. Ảnh: Kim Dung
 

Giờ có tuổi, ban đêm ông không ra làm vườn thì lại nằm xem truyền hình, hết coi thời sự đến coi phim. Mỗi khi nhà nào trong xóm có đám tang, ông lại đến thức cùng gia chủ, thậm chí thức trông cho gia đình họ ngủ nghỉ.

“Lệch cái chi bên trái”?

Câu chuyện ông Ngọc không ngủ hơn 30 năm vẫn khoẻ mạnh đã khiến nhiều người trong và ngoài nước tìm đến mục sở thị. Nhiều nhóm nghiên cứu đến nhà ông quan sát, kiểm chứng, thay phiên thức cùng ông. Họ theo dõi sức khoẻ thể chất và chất vấn ông sau nhiều đêm chứng kiến ông thức trắng.“Đoàn Thái Lan tới đây cả tuần lễ, họ gắn camera khắp nhà. Sau mấy ngày thấy tôi thức, họ để cả đống đồ, yêu cầu tôi nói tên thứ chi thứ chi, nếu nói trật thì họ sẽ đưa đi nhà thương điên, nhưng tôi nói trúng hết! Rồi tới đoàn Anh, họ thẩm vấn rồi đưa tôi đi kiểm tra sức khoẻ, siêu não siêu đồ gì đó ở nhà thương. Nhưng bác sĩ bảo tôi không sao, chỉ lệch sơ sơ cái chi bên trái thôi chứ sức khoẻ không vấn đề gì”, ông Ngọc kể.

Theo bà Bảy, vợ ông Thái Ngọc, vẫn có một cách khiến ông nhắm mắt ngủ được vài tiếng: “Hồi mô ổng uống rượu vô là ổng ngủ, chừng hết rượu là ổng dậy, còn không uống rượu thì dứt khoát không ngủ”. Nhưng ông Ngọc không thích ý tưởng này vì uống rượu say ngủ dậy rất đau đầu và mệt mỏi.

Con gái út của ông Ngọc ra đời sau khi ông mất ngủ vài năm vẫn lớn lên bình thường. Những người thân khác trong gia đình ông cũng không ai bị chứng mất ngủ. Bản thân ông bao nhiêu năm qua vẫn làm việc luôn chân tay. Giải thích hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng có thể một chức năng đặc biệt nào đó trong não đã giúp ông Ngọc tự cân bằng được tình trạng thức ngủ khiến ông không cần ngủ. Họ cũng đồng ý rằng những người mất ngủ nhưng vẫn khoẻ mạnh như ông Ngọc thì tốt nhất không nên can thiệp để tìm lại giấc ngủ, vì rất có thể việc can thiệp này khiến cơ chế tự cân bằng kia bị tác động gây ra những tác động tiêu cực cho cơ thể.

Còn với ông Ngọc, ông vẫn ước ao có một đêm thật sự ngon giấc, bởi “Mất ngủ mới biết giấc ngủ quý thế nào. Hàng chục năm qua, tôi chỉ trông được ngủ một đêm ngon lành như bao người khác, mà đâu được. Mọi người cứ nói thức như tôi thì sướng, nhưng thật lòng, đừng ai mất ngủ giống tôi. Thời gian tôi có quá nhiều so với mức tôi mong muốn!”
 

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, trưởng bộ môn bệnh học, khoa Y học cổ truyền, đại học Y Dược TP.HCM:

Khó tự tìm lại giấc ngủ sinh lý

Mất ngủ có ba trường hợp: mất ngủ thoáng qua là mất ngủ 2 – 3 đêm rồi tự trở lại ngủ được bình thường; mất ngủ ngắn hạn hay mất ngủ chập chờn, có thể xảy ra 2 – 3 đêm/tuần, kéo dài 2 – 3 tuần; mất ngủ kinh niên, là mất ngủ liên tiếp hàng đêm, kéo dài trên một tháng. Những nguyên nhân gây mất ngủ là do đau bệnh, căng thẳng, buồn phiền, sang chấn tinh thần, không chấp nhận được những thay đổi bất thường trong cuộc sống. Việc thức đêm quá nhiều để học bài đối với học sinh, sinh viên cũng dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bất cứ ai nếu có dấu hiệu mất ngủ dù chỉ là thoáng qua cũng không nên coi thường, vì nó có thể tạo những tổn thương nhẹ mà chúng ta không hay biết. Nếu bị mất ngủ thoáng qua hay mất ngủ chập chờn, cần phải chữa trị dứt điểm để nhanh chóng tìm lại giấc ngủ bình thường, tránh để tình trạng kéo dài. Trường hợp đã mất ngủ kinh niên thì người bệnh cần tìm chuyên gia chữa trị chứ không nên tự mình đi tìm lại giấc ngủ sinh lý.

BS Trịnh Tất Thắng, giám đốc bệnh viện Tâm thần TP.HCM:

Cơ chế tự cân bằng của cơ thể

Có ba nguyên nhân gây mất ngủ


Thứ nhất, hệ thống ức chế của não bộ, trung tâm điều khiển nhịp sinh học bị tổn thương. Thứ hai, gặp sang chấn quá lớn gây kích thích khiến không thể trở về trạng thái ức chế là ngủ lại được. Thứ ba, mất ngủ mãn tính mà không can thiệp, kéo dài trở thành phản xạ có điều kiện, còn gọi là thói quen. Với những người thực sự không ngủ 20 – 30 năm như ông Ngọc thì chắc chắn phải có một cơ chế đặc biệt khác những người bình thường để có thể sống, thích nghi và làm việc được, mà khoa học chưa tìm ra. Đối với mọi sinh vật trong tự nhiên, khi có sự thay đổi ảnh hưởng đến sự sinh tồn, thì lập tức sẽ có phản ứng tạo ra những con đường khác, cách khác để lấy lại cái nó đã mất.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn