Siêu bác sĩ đông y nhìn mặt phán bệnh ung thư

Thứ hai, 30/07/2012, 14:21
Sau khi hỏi bệnh nhân một số triệu chứng, xem qua bằng mắt thường, không cần khám bắt mạch, người đàn ông tự xưng là bác sĩ tới từ Quảng Đông (Trung Quốc) phán  phải chữa trị sớm nếu không sẽ bị ung thư.
Phòng khám Đông y Hồng Kông (địa chỉ số 124 đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) với tấm biển cỡ lớn bên ngoài đề dòng chữ: Phòng chẩn trị y học cổ truyền: Bắt mạch - Kê đơn - Bốc thuốc.

Clip:

 
{video="http://saigonnews.vn/images/jMedia/Video-Clip/xahoi/2012/07/30/dongy.mp3"}

Bác sĩ tất tật trong một

Bước vào phòng khám là cảnh vắng vẻ, hoang sơ, bụi bặm, căn nhà chỉ rộng khoảng 30m2, khác hẳn với phía ngoài nhìn vào là một phòng khám có mặt tiền rộng, các biển quảng cáo cỡ lớn treo phía ngoài.

 
Phòng khám Đông y Hồng Kông, địa chỉ số 124 đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tầng 1 được kê dãy tủ thuốc với hàng chục ngăn nhỏ, mỗi ngăn đều có đề tên thuốc bằng song ngữ Việt - Trung, một chiếc bàn nhỏ đón tiếp bệnh nhân với vài chiếc ghế nhựa. Khi chúng tôi vào chỉ có duy nhất một vị khách đang ngồi đợi lấy thuốc.

Chúng tôi phải đợi gần 20 phút một người đàn ông hơn 30 tuổi từ trên tầng xuống cùng đống thuốc trong tay, sau khi đưa thuốc, hướng dẫn cách sử dụng và nhận cọc tiền tờ 100.000 đồng, người đàn ông này gọi chúng tôi ngồi vào bàn để khám.

Gặng hỏi tên, người này cho biết tên là Nhân, tới từ Quảng Đông (Trung Quốc), đã ở Việt Nam hơn 8 năm, trước đó ở TP. HCM, mới ra Hà Nội làm việc nên nói tiếng Việt rất tốt, giọng nói có pha chút âm điệu của người miền Nam.

Bác sỹ Nhân giải thích phòng khám vắng vẻ do bình thường có hai bác sỹ thay phiên nhau khám tất cả các bệnh, đều từ Trung Quốc sang, nhưng mấy hôm nay một người đang về nước nghỉ phép.

 
Bác sĩ Nhân vừa là khám, chữa bệnh vừa kiêm phiên dịch của phòng khám. Dù nam hay nữ đều do bác sỹ này khám, không có bác sỹ chuyên khoa.

Với lý do tới khám phụ khoa, vì thấy ngứa ngáy, khí hư nhiều, sau khi hỏi thêm vài biểu hiện, chúng tôi được bác sỹ Nhân dẫn lên tầng hai.

Bác sĩ Nhân không quên khẳng định: “Những bệnh này tới đây là đúng cửa rồi, chỉ cần bốc thuốc một lần về uống là khỏi. Phòng khám có thuốc tiêm, thuốc uống và thuốc đặt” dù chưa khám kiểm tra gì.

 
Vị bác sĩ tự xưng tên Nhân, tới từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Vừa lên tới tầng 2, chúng tôi được thêm một lần mở rộng tầm mắt. Không khá hơn tầng một, vẫn vẻ bẩn thỉu, hoang vắng đến lạnh người.

Tầng hai được chia làm 3 ngăn nhỏ, trong đó có hai phòng khám ở hai bên, ở giữa là phòng vệ sinh. Hai phòng gọi là phòng khám thực chất chỉ có một chiếc giường nhỏ để bệnh nhân nằm, cạnh giường là một chiếc bàn cũng nhỏ, ga trải giường trắng đã loang lổ những vết chấm ố vàng, sơn tường đã bắt đầu bong tróc, nấm mốc…

 
Xộc vào mũi là một loại mùi rất khó diễn tả, có chút ít mùi thuốc Bắc pha chút mùi ẩm mốc…

Không cần bắt mạch vẫn biết nguy cơ ung thư

Dù được giới thiệu là dùng phương pháp Đông y (với bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc) nhưng bác sỹ Nhân khám bệnh không hề dùng tới bắt mạch hay biện pháp kiểm tra gì khác, chỉ khám bằng mắt thường.

Thời gian khám của bác sỹ Nhân chỉ kéo dài chưa tới một phút đồng hồ, rồi yêu cầu người bệnh ra bàn thông báo kết quả và tư vấn liệu pháp chữa trị.

Để minh chứng rõ hơn chúng tôi được bác sĩ đưa xem một cuốn sách có viết về các loại bệnh thường gặp, có cả ảnh màu kèm theo, với các cấp độ bệnh khác nhau.

Lật đến trang về bệnh phụ khoa, bác sĩ vừa chỉ vào hình vừa nói: Em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ II rồi và còn bị nấm nữa, phải vừa bôi thuốc vừa đặt thuốc.

 
Giường cho bệnh nhân nằm để bác sĩ khám bệnh đặt trên tầng 2 tòa nhà, trên
tường lớp sơn đã ố vàng, bong tróc, ga trải giường lốm đốm những vệt vàng.

Bệnh của em có thể lây cho chồng em khi quan hệ, khi đề kháng người đàn ông khỏe, vi khuẩn sẽ khó xâm nhập vào, mức độ viêm nhiễm sẽ chậm hơn, còn nếu sức đề kháng yếu bệnh sẽ nhanh phát triển. Khi viêm nhiễm lây sang trong 3 tháng sau mới bộc phát.

Bác sĩ Nhân khẳng định hậu quả: “Nếu có thai, tình trạng viêm nhiễm như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới nước ối, mà nước ối bị ảnh hưởng tất nhiên sẽ tác động đến bào thai của mình.

Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng tới việc có thai, vì khi viêm mạc không thể bài tiết hết độc tố ra ngoài, khí hư đọng lại gây viêm nhiễm, tinh trùng không thể vào được tử cung để thụ thai, trong vòng 24 tiếng tinh trùng đấy sẽ chết đi. Như vậy sẽ không thể có thai được”.

“Thậm chí để lâu không chữa trị có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung”, bác sĩ Nhân khẳng định.

Vì vậy, phải trị hết viêm nhiễm, kinh nguyệt đều trở lại, mới có khả năng thụ thai.

Em chỉ cần dùng thuốc ở đây 20 ngày là khỏi, những người tới đây đều được anh trị một lần là khỏi. Bôi thuốc để giệt nấm, đặt thuốc để hút khí hư ra.

Sau khi sử dụng thuốc, em nên đi vào bệnh viện phụ sản để họ kiểm tra, xét nghiệm lại xem tình trạng khí hư thế nào, có bị viêm nhiễm gì không, nếu khỏi rồi thì mình mới có thể thụ thai. Nếu vẫn bị viêm nhiễm bác sĩ ở đấy sẽ có cách điều trị cho em.

 
Tủ thuốc của Phòng khám Đông y Hồng Kông đặt tại tầng 1.

Về chuyện yêu cầu không cần tới đây tái khám mà khám ở viện phụ sản, bác sĩ Nhân lý giải: “Anh bảo em đi khám lại để em có thể thấy được rằng thuốc của anh hiệu quả, để sau đấy em có thể tiếp tục giới thiệu những người bạn của em tới đây”.

Sau đó vị bác sĩ này đưa ra biện pháp chữa trị bằng thuốc Đông y đều nhập về từ Trung Quốc, với giá 250.000 đồng/ngày, cả thuốc uống, thuốc đặt, thuốc bôi và phải điều trị trong liệu trình 20 ngày.

Khách hàng có quyền lựa chọn, nếu thấy thuốc trên quá đắt có thể lựa chọn thuốc rẻ hơn, với giá 200 ngàn đồng/ngày, nhưng thời gian chữa trị sẽ lâu hơn, vì thuốc rẻ nên chất lượng cũng kém hơn.

Nếu chưa mang đủ tiền mua cả 20 ngày thuốc có thể mua trước 10 ngày thuốc, với giá 2,5 triệu đồng. Còn bác sỹ nhất quyết không bán thuốc cho 1, 2 ngày dùng.

Khi chúng tôi đề nghị bác sĩ Nhân liệt kê các loại thuốc vào sổ theo dõi khám chữa bệnh thì bác sĩ từ chối và chỉ lấy thuốc mới được kê.

Lấy lý do không mang đủ tiền chúng tôi tìm cách rút lui. Trước khi ra khỏi cửa bác sĩ Nhân nói với theo: “Nếu em không chữa trị thì một năm nữa cũng không có thai được”.

 
Theo Sở Y tế Hà Nội, Phòng khám Đông y Hồng Kông từng có bác sĩ Ngũ Tổ Chí (quốc tịch Trung Quốc) tham gia khám, chữa bệnh. Bác sĩ này đã thôi không hành nghề khám, chữa bệnh từ lâu nhưng chưa báo cáo với Sở Y tế.

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích