“Phòng chống tham nhũng có nhiều kênh nhưng kênh không thể thiếu và là công cụ quan trọng trong phòng chống tham nhũng là thông tin báo chí. Không ai được quyền cấm báo chí”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Tại buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 26/11, cử tri phường Bến Thành, Q.1, TP.HCM, Nguyễn Thị Nga kiến nghị, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chỉ thị, nghị quyết, nhiều hội thảo chuyên đề nhưng chỉ là những bước khởi đầu. Cần có những biện pháp cụ thể để thực thi. Công tác phòng chống tham nhũng rất cần và cũng rất ghi nhận vai trò của báo chí.
Lực lượng nhà báo thường ở sát với dân nên nắm được tình hình, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của dân. Thế nhưng, hiện nay nhiều nhà báo trung kiên bị trù dập, bị cấm ghi âm, ghi hình, thậm chí bị tịch thu phương tiện tác nghiệp…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "Không ai có quyền cấm báo chí chống tham nhũng"
“Quốc hội nên suy nghĩ lại, nên mở rộng quyền cho báo chí viết bài chống tham nhũng. Cứ để nhà báo nêu lên. Quá trình ấy, có cái đúng, có cái chưa đầy đủ. Quốc hội nên tôn trọng tiếp thu, phát huy cái đúng mà báo chí phản ánh để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, còn cái chưa đúng thì cần xác minh lại”, cử tri Nga kiến nghị.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, gần đây ông cũng nghe anh em than vãn vì kênh thông tin báo chí không được coi trọng. Cũng có tin đồn thổi rằng lãnh đạo địa phương này, địa phương kia ra lệnh "cấm cửa" báo chí. Không ai có quyền này cả. Nếu cấm thì phải nhân danh cái gì, luật nào đã quy định thì mới được quyền ban hành.
“Phòng chống tham nhũng có nhiều kênh nhưng kênh không thể thiếu và là công cụ quan trọng phòng chống tham nhũng là thông tin báo chí. Không ai được quyền cấm báo chí”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Chủ tịch nước chụp hình với nhóm phóng viên mảng Chính trị sau khi kết thúc buổi tiếp xúc cử tri
Chủ tịch nước khẳng định, không có ông A, ông B, bà C nào cấm báo chí mà chỉ là những thông tin đồn thổi làm dấy lên sự lo lắng trong báo giới. Xã hội không thể dưới sự trị vì của những người đồn thổi. "Sợ ma thì ma nhát", phải làm việc theo nguyên tắc, điều lệ, pháp luật chứ không theo tin đồn. Nếu bị trù úm thì đấu tranh lại.
Ban chấp hành Hội Nhà báo Trung ương, Hội Nhà báo địa phương cần phải có ý kiến ngay. Các nhà báo bị trù úm cũng cần phát huy thế mạnh của cơ quan chủ quản, hội mà mình đang hoạt động để lên tiếng bảo vệ.
“Một người, mười người có thể bị trù úm nhưng cả đất nước, cả dân tộc này cùng chống tham nhũng thì không thể bị trù úm”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, dù đã muộn nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vẫn nán lại hỏi các phóng viên báo chí còn thắc mắc gì để ông giải đáp. Chủ tịch vui vẻ chia sẻ, chụp hình cùng các phóng viên trước khi rời khỏi nơi tiếp xúc cử tri.