Bao giờ mới có tiêu chuẩn thực phẩm sạch cho trẻ?

Thứ hai, 26/11/2012, 15:04
Tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một điều luật cụ thể quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ em. Trong khi đó trên thực tế, số trẻ bị ngộ độc thực phẩm không ngừng tăng, gây ảnh hưởng cho sự phát triển toàn diện về thể chất của các em.
Thực phẩm bẩn "bủa vây" trường học
 
Các món quà vặt được bày bán tại cổng trường từ lâu đã là món khoái khẩu của nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những thức ăn "ba không" này lại chính là tác nhân lớn nhất gây ra những ca ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Trong khi đó, đa số các bậc cha mẹ phụ huynh đều chưa quan tâm đến vấn đề này.
 
Hầu hết tại các khu vực trường tiểu học, THCS, THPT và thậm chí là các lớp học hè, vui chơi giải trí trên địa bàn Hà Nội luôn có một lượng rất đông các hàng, quán cóc vây quanh. Những quán ẩm thực vỉa hè này đều bày bán các loại ô mai, bánh kẹo, các loại kem gia công đóng túi nilon, nem chua rán, sữa chua…

Điều dễ nhận thấy các loại kẹo sặc sỡ sắc màu in trên bao bì đều là kẹo Trung Quốc. Vỏ ngoài chỉ có tiếng Trung Quốc, không hạn sử dụng, không có thành phần, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhưng loại kẹo này lại hấp dẫn nhiều trẻ nhỏ bởi mẫu mã đẹp, nổi bật với các hình ảnh siêu nhân, búp bê trong phim hoạt hình, truyện tranh... Màu sắc bắt mắt lại có giá cả vô cùng rẻ, chỉ từ 1.000 đồng - 5.000 đồng/món.
 
Theo thống kê sơ bộ của PV, hiện có khoảng gần 30 loại thực phẩm mang nhãn mác Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt kiểu như vậy được bày bán tại các hàng quán vỉa hè. Từ các loại dạng khô, dạng cô đặc đến dạng nước đóng chai mà ngay cả người bán cũng không biết thực chất đó là gì, được chế biến từ những thành phần nào.

Khi được hỏi nguồn hàng lấy từ đâu, đa số những người bán đều cho biết, họ có mối lấy hàng từ các khu tạp hoá tại chợ Đồng Xuân, chợ Nghĩa Tân, chợ Hàng Bè, các quầy bán buôn bánh kẹo Hàng Buồm. Có đại lý vẫn mang đến tận nơi giao với giá bán buôn, không đi lấy trực tiếp nên bản thân người bán cũng chẳng biết nguồn gốc hàng xuất phát từ đâu (?!).

 
thucpham.jpg - 54.83 KB

Các loại bánh kẹo gia công của Trung Quốc bán đầy rẫy tại các trường học
 
Ngoài hàng đóng gói, nhiều quán còn kinh doanh các loại mặt hàng chế biến như nem chua rán, bánh khoai, bánh chuối, hoa quả dầm, xôi... Có quầy hàng bán nem chua rán theo kiểu di động, các khâu chế biến, rán nem, bốc nem đều ở trên một chiếc khay nhỏ, người bán không đeo găng tay.

Khay đựng thực phẩm không có đồ che đậy, không có chỗ ngồi ăn, tương ớt nhoe nhoét vương vãi rất mất vệ sinh nhưng lại có nhiều khách hàng nhí ghé thăm vì mức giá "siêu bèo": Chỉ 2.000 đồng/cái.

 
Giá rẻ lại hấp dẫn đối với trẻ nhỏ thế nên, cứ mỗi giờ tan học, đông đảo các em học sinh lại xúm xít, bu quanh các hàng quán này. Nhiều em cho biết, buổi sáng đi học đều được bố mẹ phát tiền ăn sáng mà sáng đi học vội chưa kịp ăn nên đợi đến giờ tan học là các em tìm mua những gói ô mai, gói thịt bò khô hay các loại nước giải khát đóng chai đóng túi để ăn, uống.

Đợt nghỉ hè, các hàng quán ở các cổng trường lại chuyển sang "bủa vây" các lớp học hè hoặc bày bán ngoài cổng các trung tâm vui chơi giải trí, các lớp học bơi, học võ…

 
Điều đáng nói là có vẻ như ít phụ huynh chú ý đến chất lượng của những món quà rong này. Tại một lớp học bơi ở Quán Thánh, chị Hoàng Lan (Đặng Dung, Hà Nội) cho biết, hàng ngày chị vẫn đến lớp để đưa đón con đi học nên ngày nào cũng thấy các hàng quán bày bán đồ ăn xung quanh đây hoạt động. Nhìn cảnh hàng hoá không che đậy, ruồi muỗi mất vệ sinh nhưng chị vẫn cho tiền để con ăn tại đây.
 
"Các cháu cứ đòi ăn, lại còn khóc lóc đòi mua cho mới chịu đi học. Hơn nữa, buổi chiều tan học về cũng đói nên tôi cho tiền con thích ăn gì thì mua, lâu dần thành quen", chị Lan phân bua.

Khi được hỏi về các loại kẹo phát sáng, thịt hổ có chứa những chất độc hại có khả năng gây bệnh cho trẻ đã được bộ Y tế cấm bán, chị Lan lắc đầu nói không biết nhưng tỏ ý lo sợ vì đã từng thấy con mình ăn những loại kẹo kiểu như vậy.

 
Nhiều phụ huynh e ngại khi nói đến chất lượng các loại thực phẩm vỉa hè, hàng rong. Nhưng mặc dù đã cấm đoán, trẻ vẫn lén lút mua về để ăn do đó rất khó kiểm soát được hành vi của trẻ.

Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều em nhỏ không cần sự chỉ dẫn của bố mẹ mà tự ý mua quà vặt ăn. Trẻ không hề biết tác hại của những loại hàng trôi nổi này, trong khi người bán bất chấp tất cả vì lợi nhuận.

 
Sâm nhung càng lắm, con càng còi đi
 
Ngược lại với thái độ thờ ơ của nhiều bậc phụ huynh trước việc con cái mình lén lút mua thực phẩm bẩn tại cổng trường, một số phụ huynh thừa tiền lắm của lại đua nhau bồi bổ cho trẻ bằng các loại sâm nhung, tổ yến đắt đỏ.

Kinh tế gia đình khá giả nên chị Thanh Hà (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) thường xuyên tìm đến các cửa hàng bán đồ xách tay để mua hàng ngoại cho con từ sữa, váng sữa, sữa chua đến các loại bánh kẹo, trái cây… 

 
Nghe bạn bè có con nhỏ mách cách chăm con bằng ăn tổ yến, mỗi tháng chị Hà cũng chịu khó bỏ ra 15 triệu đồng nhờ người thân ở Khánh Hòa mua 1 lạng yến cho cậu quí tử bồi bổ. Chồng chị Hà còn nhờ bạn bè mua thêm sâm Linh Chi, sâm Ngọc Linh để đun lấy nước cho con uống.

"Dùng toàn hàng xịn là thế, tháng nào cũng tốn bao nhiêu tiền mua đồ bổ dưỡng nhưng thằng bé ngày càng còi cọc, da tái xanh, chiều cao và cân nặng còn kém xa bạn bè đồng trang lứa", chị Hà than thở.

 
Đưa con đi khám bệnh ở các viện dinh dưỡng, chị Hà mới biết hoá ra vì dùng quá nhiều hàng xịn nên con chị bị thừa chất, khả năng hấp thụ của cháu lại càng kém đi. Nguy hiểm hơn, những loại sữa ngoại hiện đang có nguy cơ pha trộn với hàng hết hạn sử dụng tuồn về từ nước ngoài.

Các loại tổ yến, sâm nhung cũng có nguy cơ bị làm giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ nhỏ.

 
"Giờ đang phải cho con uống thuốc điều trị triệu chứng thừa chất mà mình ân hận quá. Đã thế còn bị hai bên nội ngoại mắng cho một trận vì tự ý bồi bổ cho con linh tinh. Giờ mình cứ cho con ăn uống bình thường, đảm bảo đủ chất thôi. Sữa thì cứ mua liên doanh cho chắc, mua hàng ngoại cũng chẳng đảm bảo chất lượng", chị Hà chia sẻ.
 
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều gia đình có điều kiện đang rất "sính" mua thực phẩm đắt tiền nhưng lại không hiểu rằng, việc tự ý dùng những thực phẩm này có thể khiến con bị thừa hoặc thiếu chất. Đó là chưa kể đến những vụ buôn bán sâm nhung, tổ yến giả và chất lượng của những loại thực phẩm xịn kiểu này vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa qua kiểm định chất lượng của bộ Y tế.
 
Trẻ em là đối tượng dễ bị các virus tấn công qua đường ăn uống hàng ngày. Căn nguyên có thể bắt đầu từ môi trường ô nhiễm hoặc ngay từ dây chuyền sản xuất nguyên vật liệu, kĩ thuật chế biến, đóng gói đã tạo ra những thực phẩm không an toàn vệ sinh. Hiện nay nhu cầu về sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm cho trẻ em đang phát triển mạnh mẽ với rất nhiều chủng loại đa dạng.
 
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là không ít mối đe dọa về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trẻ nhỏ. Trong đó, số lượng ngộ độc thực phẩm ở trẻ tại các thành phố lớn như TP.HCM mỗi năm lên đến vài trăm ca.

Và ngay tại nơi có điều kiện sống tốt hơn thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dành cho trẻ vẫn đáng báo động. Nhiều thực phẩm có lượng phẩm màu, chất bảo quản và các chất phụ gia khác vượt mức an toàn.

 
Bên cạnh mối nguy hiểm tiềm tàng như di chứng mãn tính ảnh hưởng đến sự phát triển, các chất này còn trực tiếp tác động lên cả hệ thần kinh của trẻ. Qua điều tra, trong các loại ngộ độc ở trẻ em thì ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất, tiếp theo là ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc.

Đáng chú ý, những trẻ dưới 2 tuổi bị ngộ độc chủ yếu do thực phẩm được chuẩn bị tại nhà, trẻ từ 2-5 tuổi ngộ độc do nhiều yếu tố hơn, như: Ở nhà, môi trường, lớp học. Ecoli và Salmonella là 2 tác nhân gây ngộ độc phổ biến nhất.

 
Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích