Rộ cơn sốt săn lùng chuông cổ giá hàng trăm tỉ đồng

Thứ hai, 26/11/2012, 15:17
Người dân khắp nơi đang đổ xô tìm đến một ngôi chùa ở Bình Thuận để gạ gẫm nhà chùa bán quả chuông nặng gần 100 kg với giá từ 100 tỉ- 150 tỉ rồi lên đến 200 tỉ đồng. Nguyên nhân được xác định là do dư luận phao tin chuông cổ trên có chất liệu là đồng đen, vô cùng có giá trị.
Những ngày qua, nhiều người dân, thương lái khắp nơi liên tục tìm về chùa Phú Sơn (thôn Phú Điền, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình  Thuận) để hỏi mua chuông cổ.
 
Giá của quả chuông liên tục được đẩy lên. Hàng trăm tỉ đồng được các thương lái đưa ra thương thảo khiến nhiều người phải thốt lên kinh ngạc. Để tránh những cuộc đổ bộ của những vị khách không mời mà đến hay những tên đạo chích, nhà chùa phải xây lô cốt và cầu cứu công an để bảo vệ chuông cổ.
 

Chuông cổ hiện được nhiều người phao tin là đồng đen.

Lô cốt bê tông kiên cố bảo vệ chuông cổ
 
Chúng tôi đến thôn Phú Điền, gặp gỡ một số người dân để tìm hiểu về lịch sử chùa Phú Sơn. Được biết, quả chuông cổ trên là bảo vật vô giá của nhà chùa và địa phương, được nhiều thế hệ người dân kính trọng gọi là "ông đại" vì chuông khá lớn và có từ lâu đời.
 
Theo truyền thuyết, chuông được đúc từ năm 1887, có giá trị tâm linh rất đặc biệt đối với người dân nơi đây.

Ông Phạm Bình, một người dân địa phương cho biết thêm: "Vào năm 1951, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân quyết định đốt chùa và khiêng quả chuông đánh chìm dưới một hồ nước trong thôn để cất giấu. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chùa Phú Sơn được xây dựng lại, quả chuông được vớt lên và được đưa về chùa cho đến ngày nay”.

 
Thầy Thích Quảng Độ, trụ trì của chùa xác nhận những giai thoại về lịch sử của chuông cổ là chính xác. Về lý do khiến chuông cổ được nhiều người đổ xô tìm đến hỏi mua cho bằng được, thầy Thích Quảng Độ cho hay, do chuông co tươm nước, một biểu hiện mà dân gian cho rằng đó là đặc trưng của đồng đen. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người đổ xô đến chùa hỏi mua quả chuông với giá khủng.
 
Theo tìm hiểu của PV, từ cuối năm 2011 đến nay, không rõ thông tin từ đâu, rất nhiều người ăn mặc sang trọng, đi xe hơi đến chùa ngã giá đòi mua quả chuông cổ này, lúc thì 150 tỉ đồng, lúc 200 tỉ đồng.
 
Thầy Quảng Độ cho biết, dù với bất cứ giá nào chùa cũng không thể bán vì đây là bảo vật của làng, của chùa, được gìn giữ trong chùa bao đời nay. Thời gian qua, nhiều người đến chùa xin quay phim, chụp ảnh quả chuông cổ nhưng nhà chùa đều kiên quyết từ chối.
 

Thầy Thích Quảng Độ chỉ nơi để chiếc chuông cổ.
 
Trước thực trạng nhiều người lạ xuất hiện trong chùa có dấu hiệu khả nghi, trụ trì chùa đã báo cáo với chính quyền địa phương. Mặt khác, nhà chùa quyết định xây lô cốt để bảo vệ chuông cổ. Lô cốt có diện tích khoảng 2m, xây dựng bằng bê tông cốt thép khá kiên cố. Muốn vào được nơi bảo vệ chuông phải qua nhiều lớp cửa.
 
Bà Út Mịch, 45 tuổi, một người dân địa phương cho biết: "Việc nhà chùa và địa phương xây lô cốt bảo vệ chuông trước sự dòm ngó của nhiều kẻ lạ mặt là điều đúng đắn. Bởi thời gian qua, có nhiều người lạ tìm về chùa dòm ngó chuông cổ".
 
Bà Dương Thị Hợi, một phật tử ở chùa cho biết, từ ngày có thông tin quả chuông cổ tại chùa được đúc bằng đồng đen, rất có giá trị và đặc biệt quý hiếm nên được nhiều người chú ý. Trước sự việc này, thầy Thích Quảng Độ và nhà chùa đã vô cùng lo lắng. Ngoài ra, những phật tử của chùa cũng rất bất an khi chứng kiến những dòng người đổ về đây hỏi mua chuông. 
 
Lo lắng cho số phận của chuông cổ
 
Hiện nay, ngoài việc được bảo vệ nghiêm ngặt bằng lô cốt bê tông kiên cố, chuông cổ còn được lực lượng dân phòng, công an bảo vệ ngày đêm.

Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng gần chục phật tử của chùa thường xuyên đến trông coi, cảnh giác những kẻ lạ mặt dòm ngó chuông.
 
Theo ông Dương Văn Ba, trưởng thôn Phú Điền, mỗi đêm xã đều cử 4 dân phòng và 1 công an viên tuần tra quanh khu vực, hỗ trợ nhà chùa trong việc bảo đảm an ninh trật tự. Các sự việc bất thường xảy ra gần khu vực chùa đều được công an, dân phòng phát hiện xử lý kịp thời.
 

Đồng đen vô cùng có giá trị.
 
Thầy Thích Quảng Độ cho biết thêm, trước đó nhà chùa đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc. Tiếp nhận phản ánh của nhà chùa, Cục CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (C46) bộ Công an phối hợp với công an tỉnh Bình Thuận và công an huyện Tuy Phong lập biên bản điều tra vụ việc vào ngày 13/10.

Theo đó, C46 đề nghị thầy Thích Quảng Độ không được mua bán, trao đổi, không chuyển nhượng và chờ kết luận chính thức của các nhà chuyên môn về chất liệu dùng để đúc chuông cổ.
 
Thầy Quảng Độ cho biết, sau đó C46 có đưa một số chuyên gia, nhà khoa học từ TP.HCM đến quay phim, chụp ảnh, giám định chuông cổ nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận.
 
Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận đã mời tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, phó giám đốc Bảo tàng Quốc gia đến chùa để tiến hành giám định quả chuông cổ. Kết quả giám định được tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến công bố là quả chuông có trọng lượng khoảng gần 100kg, đường kính nơi lớn nhất rộng khoảng 60cm, cao 1,05m, trên thân quả chuông có ba chữ Phú Sơn Tự bằng chữ Nho.
 
Theo ông Huỳnh Văn Tài, chuyên gia đồ cổ tại TP.HCM: "Hiện nay, hầu hết các nhà khoa học đều không đưa ra câu trả lời chính thức giá trị thực sự về đồng đen. Nhưng theo nhiều nguồn tài liệu thì đồng đen do con người luyện ra từ quặng. Nó có màu đen và chứa nhiều kim loại quý như vàng, bạc, thiếc.
 
Sự huyền bí và giá trị của đồng đen chính là do con người đồn thổi. Được biết, đồng đen sử dụng trong đúc tượng rất tốt, nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng”.
 
Cần sớm công bố chất liệu đúc chuông cổ
 
Theo tìm hiểu của PV, tại TP.HCM nhiều người chuyên kinh doanh đồ cổ đều nghe thông tin chùa Phú Sơn có chuông cổ được đúc bằng đồng đen. Một số người đã tìm về chùa Phú Sơn để tìm hiểu quả chuông nhưng vẫn chưa tận mắt chứng kiến quả chuông trên để giám định.

Hiện Ban trụ trì chùa Phú Sơn, các phật tử, chính quyền xã đều rất lo lắng về số phận quả chuông và mong các nhà chuyên môn sớm có kết luận về chất liệu đúc quả chuông quý - "ông đại" của chùa. Chỉ khi có kết luận chính thức từ cơ quan thẩm quyền mới có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp trong thời gian vừa qua tại Phú Sơn.


Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn