Phát hiện gần 50.000 sản phẩm vi phạm

Thứ ba, 27/11/2012, 10:14
Sau thông tin về kho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt (Tuổi Trẻ ngày 26/11), Đội quản lý thị trường (QLTT) Bình Thạnh và Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã kiểm tra. Kết quả cho thấy gần 50.000 sản phẩm hàng hóa các loại có dấu hiệu nhập lậu, không hóa đơn chứng từ nhập khẩu.
 
3.jpg - 101.93 KB

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra tại kho hàng của Công ty TNHH Đất Vàng

Ngay từ sáng sớm 26/11, QLTT có mặt tại kho chứa hàng ở đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh, TP.HCM) của Công ty TNHH MTV TM-DV-XNK Đất Vàng VN do bà Đinh Nguyễn Hồng làm giám đốc. Tại kho, rất nhiều mặt hàng được đóng thành những kiện hàng lớn.

Ngoài các sản phẩm mà PV Tuổi Trẻ ghi nhận trong bài viết như: cây lau nhà, đèn sạc, kiềng tiết kiệm gas... được chuyển đổi nhãn thì hàng loạt sản phẩm khác có dấu hiệu nhập lậu, mập mờ nguồn gốc xuất xứ như: keo dán, dụng cụ nhà bếp... cũng được cơ quan chức năng phát hiện.

Để tìm nguồn gốc sản phẩm, một số cán bộ QLTT dùng đèn pin soi rọi xem trên các nhãn mác sản phẩm nhập khẩu có ghi xuất xứ từ đâu không nhưng đều không hề có bất cứ thông tin gì.

 
Trong số gần 50.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm thì có đến gần 21.000 sản phẩm của nước ngoài, chưa qua sử dụng nhưng đại diện công ty không xuất trình được bất cứ giấy tờ nhập khẩu nào. Những sản phẩm này bao gồm 13.000 lọ keo dán hiệu Super Blue, 5.000 sản phẩm dụng cụ mài dao, dao bào và hơn 2.000 máy chà gót chân. Tất cả số hàng hóa trên được QLTT chuyển về kho tạm giữ.
 
Trong quá trình kiểm tra, QLTT cũng phát hiện 4kg bao bì nhãn tiếng Việt dùng để dán lên các sản phẩm cây lau nhà được nhập từ Trung Quốc không ghi xuất xứ.

Số lượng hàng hóa được nhập khẩu có tờ khai hải quan nhưng không có nhãn, hoặc bao bì không ghi xuất xứ sản phẩm lên đến hơn 27.000 sản phẩm. Trong đó chủ yếu là cây lau nhà, kiềng tiết kiệm gas, keo dán...

Theo thông tin trên tờ khai nhập khẩu, những sản phẩm như cây lau tường, kiềng bếp gas được nhập từ của khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với giá dao động 10.000 - 16.000 đồng/cái nhưng giá bán ra thị trường gấp 3-5 lần.

 
Tại thời điểm kiểm tra, bà Hồng thừa nhận tất cả sản phẩm trên do Trung Quốc sản xuất, được công ty mua lại từ nhiều nguồn khác nhau, một số được nhập khẩu chính thức. Sản phẩm được đơn vị phân phối với số lượng lớn hầu khắp các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ.

Ngoài việc bán tại các chợ truyền thống, sản phẩm được các thương lái bán theo các hội chợ, triển lãm tổ chức tại các thành phố lớn cũng như len lỏi vùng nông thôn.

 
Cũng trong ngày 26/11, nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ tại nhiều tỉnh thành đã gửi thông tin cho biết mình là “nạn nhân” của tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt khi mua phải một số sản phẩm như: “dao thép Thái Nguyên”, cây lau nhà Vạn Gia...
 
Anh Hùng, ở quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết mới đây có mua bộ ba sản phẩm dao chặt tại hội chợ tổ chức ở nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) với giá 80.000 đồng về sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày mua về sản phẩm bị gỉ sét nham nhở, không thể sử dụng.

“Tại hội chợ, tôi chứng kiến người bán quảng bá sản xuất tại Thái Nguyên, trên sản phẩm in chữ “dao đai thép” nên chọn mua ngay. Tuy nhiên, mang về nhà chỉ để trong bếp chưa kịp sử dụng dao đã biến màu, gỉ sét đen thui” - anh Hùng nói.


 
Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn