Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại TP.HCM trong nhiều năm qua cho thấy, không khí đang bị ô nhiễm nặng ở cả khu vực ven đường và trong khu dân cư. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại ít đầu tư cho công tác quan trắc chất lượng không khí và các giải pháp giảm ô nhiễm không khí còn rất ít, thiếu hiệu quả.
Theo Cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM, nhiều chỉ tiêu về môi trường không khí mà các trạm quan trắc chất lượng không khí thành phố ghi nhận được đều vượt chuẩn cho phép, trong đó đáng lo ngại nhất là lượng bụi trong không khí quá cao.
Tổng lượng bụi lơ lửng trung bình từ 0,38-0,76 mg/m3, vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 06: 2009/BTNMT) từ 1,26-2,55 lần, có những tháng nồng độ bụi lên đến 1,47 mg/m3, vượt QCVN 5 lần. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp TP.HCM vào 1 trong 10 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất thế giới.
Khói bụi từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đô thị
Bên cạnh đó, tại khu vực ven đường, kết quả quan trắc không khí cho thấy: Nồng độ CO trung bình từ 7,66-18,72mg/m3, 100% không đạt QCVN, nồng độ NO2 trung bình từ 0,11-0,26mg/m3, 45% giá trị không đạt QCVN; nồng độ chì, benzen… cũng vượt xa tiêu chuẩn cho phép.
Thống kê toàn bộ số liệu quan trắc trong vòng 5 năm qua thì có đến 98% số liệu cho thấy chất lượng không khí không đạt QCVN, trong đó có 3 trạm quan trắc 100% số liệu quan trắc không đạt QCVN.
Ở khu dân cư, cơ bản nồng độ các chất ô nhiễm không khí đều thấp hơn QCVN. Tuy nhiên, nồng độ chì khá cao so với quy chuẩn của nhiều nước.
Mức độ ô nhiễm không khí thay đổi tùy từng thời điểm và từng khu vực khác nhau, ô nhiễm không khí thường đạt giá trị cao vào thời điểm từ 7-10 giờ sáng và 18-21 giờ đêm, thấp nhất khoảng từ 2-4 giờ sáng; khu vực đông dân cư mức độ ô nhiễm không khí cũng gia tăng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn - Giảng viên Trường đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM: Sở dĩ chất lượng không khí tại TP.HCM kém như vậy do nguồn khí thải từ công nghiệp và giao thông vận tải cao. Lượng khói, bụi trong giao thông ở TP.HCM rất lớn.
Thành phố quản lý gần 500.000 xe hơi, 4,5 triệu xe gắn máy các loại, chưa kể hằng ngày có thêm khoảng 60.000 phương tiện giao thông từ những tỉnh, thành khác lưu thông vào TP.HCM, hiện tượng kẹt xe ở nhiều tuyến đường cũng làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế kéo theo sự gia tăng các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất… dẫn tới gia tăng lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Với mức độ ô nhiễm như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người dân thường xuyên làm việc, sinh sống ở khu vực ven đường.
Điều này làm gia tăng các loại bệnh tật, gây giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống của người dân. Mức độ ô nhiễm môi trường tỷ lệ thuận với nguy cơ, số lượng mắc bệnh tật ở người.
Các nghiên cứu y tế cho thấy, bụi là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh phổi mãn tính, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viên xoang…
Benzen là một trong những tác nhân gây ung thư; nhiễm độc chì gây ra tình trạng kém tập trung, suy giảm trí tuệ, gây ra các bệnh về gan, thận; lượng khí CO2, CO trong khói xe tác động xấu đến hệ hô hấp, tim mạch, hệ thần kinh…
Ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, mức độ ô nhiễm không khí khá cao.
Theo nghiên cứu của Chương trình không khí sạch châu Á, chất lượng không khí của TP.HCM được xếp ngang với một số thành phố như: Jakarta (Indonesia), Kolkata, Mumbai (Ấn Độ) và Manila (Philippines), năng lực quản lý chất lượng không khí chỉ ở mức độ tương đối.
Nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết sớm do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê nào về điều này và những nghiên cứu về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí với bệnh tật còn rất ít nhưng chắc rằng chúng ta cũng không phải ngoại lệ so với những nước đang phát triển khác. Do đó, ô nhiễm không khí là một vấn đề rất đáng lo ngại.
“Xóa sổ” các trạm quan trắc tự động?
Quan tâm đến chất lượng không khí, từ năm 1994, TP.HCM đã bắt đầu chương trình quan trắc không khí bằng việc triển khai các trạm lấy mẫu không khí đặt tại các điểm nóng về giao thông và một số điểm ở các khu dân cư như: vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư An Sương, ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát...
Sau gần 20 năm hoạt động, đến nay, TP.HCM đã triển khai 6 địa điểm quan trắc bán tự động (quan trắc 10 ngày trong tháng, mỗi ngày 3 lần) và 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, đo đạc các thông số như: hàm lượng chì, CO, tổng bụi, NO2, benzen…
Kết quả quan trắc chất lượng không khí được báo cáo định kỳ hàng tháng cho lãnh đạo thành phố và các cơ quan có liên quan.
Tuy nhiên, từ năm 2011, các trạm quan trắc tự động bị hư hỏng, không được đầu tư nâng cấp nên đến nay đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Chỉ tiêu quan trắc benzen cũng bị hủy bỏ với lý do chưa thấy ai “chết” vì ô nhiễm benzen?!
PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ: Rất tiếc, đến nay hệ thống quan trắc tự động bị hủy bỏ không thực hiện tiếp nữa mà chỉ thực hiện các trạm quan trắc bán tự động.Các trạm quan trắc tự động bị “xóa sổ” do trước kia được đưa vào hoạt động nhờ vào nguồn vốn viện trợ nước ngoài.
Đến nay, sau thời gian dài sử dụng đã hư hỏng hoàn toàn và chưa được tiếp tục đầu tư.
Trong khi đó, số liệu từ các điểm quan trắc bán tự động đưa ra thường có sai số rất lớn, không phải là kết quả khoa học đáng tin cậy vì chúng ta chỉ xác định được chất lượng không khí trong một giờ nào đó và thường là giờ cao điểm nên giá trị số liệu không cao.
Các chuyên gia kiến nghị, cần đầu tư thích đáng cho việc đo đạc chất lượng không khí để có những đánh giá chính xác về ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt cần đầu tư khôi phục lại các trạm quan trắc tự động.
Chi phí đầu tư khôi phục hệ thống quan trắc không khí tự động ở TP.HCM, với 9 trạm quan trắc khoảng 2 triệu USD.
Bên cạnh đó, nên khởi động lại chương trình quan trắc benzen vì nồng độ benzen đo được trong không khí ở TP.HCM khá cao mà đây là một chất vô cùng độc hại với sức khỏe con người; có đến 67% số liệu quan trắc nồng độ benzen trong không khí không đạt QCVN, có những thời điểm nồng độ benzen đo được vượt trên 10 lần QCVN.
Các số liệu về ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta không phải ít và đã chỉ ra được mức độ ô nhiễm trầm trọng như thế nào. Tuy nhiên, hiện nay các giải pháp can thiệp còn rất ít, sơ sài, hiệu quả không cao.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của vấn đề này do chúng ta chỉ dừng lại ở việc đưa ra các số liệu đánh giá ô nhiễm mà không chỉ rõ những tác hại cụ thể của nó nên nhiều người không hình dung được sự nguy hiểm của ô nhiễm môi trường không khí.
Do đó, cần có thêm những nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe để có những thông tin thuyết phục, đề xuất chính quyền có những biện pháp can thiệp mạnh hơn cho vấn đề môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.