Nhiệt độ cao, hạn hán, lũ lụt và tan băng ở Bắc cực là các đặc điểm thời tiết nổi bật trong năm 2012, gây thêm lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 28-11.
“Năm 2012, thời tiết cực đoan xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng phần Bắc bán cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn”, báo cáo nói. Các đợt nắng nóng nhiều lần phá kỷ lục tại Mỹ cũng như ở nam châu Âu, Nga và tây bắc châu Á. Hạn hán cũng phổ biến, đáng kể nhất là đợt hạn ảnh hưởng tới 9,6 triệu người ở các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Nhiều người ra biển để tránh nắng nóng - Ảnh: Getty
“Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta và sẽ tiếp tục như thế”, Hãng tin AFP dẫn lời người đứng đầu WMO Michel Jarraud. Giai đoạn tháng 1 tới tháng 10-2012 là giai đoạn nóng thứ chín trong lịch sử kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1850, với nhiệt độ trên mặt đất và đại dương cao hơn khoảng 0,45 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1961-1990, theo báo cáo của WMO.
Lũ lụt xảy ra ở nhiều vùng Tây Phi và Sahel từ tháng 7 tới tháng 9, ảnh hưởng gần 3 triệu người và khiến ít nhất 300 người thiệt mạng. Tại vùng Krasnodar, Nga, lũ lụt vào tháng 7 đã khiến gần 200 người thiệt mạng và gây ra thiệt hại vật chất 630 triệu USD.
Nhiều trận bão lớn gây thiệt hại trầm trọng ở Caribê và bờ biển phía đông nước Mỹ. Tổng cộng 19 cơn bão đã xảy ra ở vùng này, 10 trong số đó là những cơn bão lớn, theo WMO. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 27-11 ước tính thiệt hại vật chất của siêu bão Sandy ở riêng New York và New Jersey là 60 tỉ USD.
WMO cũng cảnh báo về tình trạng tan băng nhanh chưa từng thấy tại Bắc cực. Băng ở đây chỉ còn che phủ diện tích 3,4 triệu km vuông ở mức thấp nhất trong năm vào ngày 16-9, ít hơn 18% so với năm thấp nhất trước đó là 2007 và ít hơn tới 49% so với trung bình giai đoạn 1979-2000. Điều này tương đương với việc Bắc cực đã mất 3,3 triệu km vuông băng, bằng diện tích Ấn Độ, theo WMO.