Làm sao để 'cứu' các môn học xã hội?

Thứ bảy, 08/12/2012, 14:38
Việc các chuyên ngành khối Khoa học xã hội (KHXH) bị học sinh và phụ huynh thờ ơ vẫn luôn là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này dẫn tới việc mất cân bằng nguồn nhân lực và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vậy, đâu là giải pháp tổng thể để vực lại ngành học này?
Thay đổi cách dạy, cách học
 
Tình trạng thờ ơ, thậm chí coi thường những bộ môn, chuyên ngành thuộc khối KHXH không chỉ diễn ra đối với thí sinh, phụ huynh mà còn với cả xã hội. Quan niệm môn chính – môn phụ, ngành “hot” và nghề “hot” chính là yếu tố cơ bản dẫn tới việc những môn KHXH như ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân… bị coi là thừa.
 
Hiện nay, nhận thức của học sinh phổ thông đối với các môn xã hội còn sai lệch. Ở nhiều trường học, ngay cả môn Văn vốn được xem là một trong hai môn có hệ số điểm cao nhất cũng bị coi gần như môn phụ. Quan niệm sai lầm này đã dẫn đến việc học tủ, bào mòn hứng thú khiến người học không dành nhiều thời gian đầu tư, sáng tạo cho môn học.
 

Cần thay đổi cách dạy và học các môn xã hội trong nhà trường.
 
Các môn Sử, Địa, đặc biệt là Giáo dục công dân, ở nhiều nơi, ngay cả ban giám hiệu cũng xem đây là những môn phụ, năm nào thi tốt nghiệp thì tăng tiết, không thì cắt giảm tối đa để nhường giờ học cho những môn khác.
 
Để đảm bảo chương trình, giáo viên chỉ còn cách dạy theo hình thức “tổng động viên”, học sinh tiếp nhận kiến thức một cách thụ động khiến mọi năng lực sáng tạo và tư duy phân tích bị triệt tiêu. Thêm vào đó, dụng cụ hỗ trợ cho việc dạy và học những môn này như mô hình, tranh ảnh minh họa, bản đồ, đĩa phim tư liệu… không được đầu tư khiến môn học vốn đã chay càng thêm chán.
 
Để khơi dậy niềm đam mê của học sinh dành cho các môn xã hội, cần sự chung tay góp sức của xã hội như cải tiến chương trình, phổ cập hướng nghiệp. Mỗi trường có thể bắt đầu từ những biện pháp nhỏ như duy trì thói quen cho học sinh đọc các bài văn đạt điểm cao đầu giờ, chia sẻ những đầu sách hay, phương pháp học tập tốt trên góc học tập, bảng tin đoàn trường, một số diễn đàn Facebook…
 
Riêng đối với sách tham khảo, thay vì lên án, những người làm công tác giáo dục cần có cái nhìn công bằng hơn đối với thể loại sách đặc thù này. Trong đó, vai trò hướng dẫn, định hướng của giáo viên là hết sức quan trọng. Ở nhiều nền giáo dục phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ… sách tham khảo được xem như một trong những kênh tri thức đứng ngang với sách giáo khoa.
 
Cần nhiều ưu đãi với ngành KHXH
 
Học sinh trong trường phổ thông đã chán ngán với những môn KHXH, cho nên tỷ lệ đăng ký vào ngành này càng thấp hơn. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012, cả nước có hơn 1,8 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, trong đó chỉ có hơn 80.000 hồ sơ đăng ký vào ngành KHXH, chiếm 4,43%. Một số ngành có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp là Nghệ thuật, Báo chí, Khách sạn, Thể dục, Thể thao, dưới 1%.
 
Nếu xét theo số lượng thì nhóm ngành này đã giảm đến gần 8% so với năm 2011 (năm 2011 có khoảng 87.000 hồ sơ). Do số lượng thí sinh quá ít, một số trường ĐH phải ngừng tuyển sinh một số ngành khoa học xã hội hoặc phải tìm cách tăng nguồn tuyển bằng việc mở thêm các khối thi đầu vào như khối A, D.
 

Bộ GD-ĐT sẽ xem xét tuyển sinh riêng khối C.
 
Để giúp các thí sinh “mặn mà” hơn với việc vào các ngành khối C, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ, năm 2013, Bộ sẽ xem xét cho một số trường tuyển khối C, ngành xã hội nhân văn, năng khiếu được tự tổ chức thi riêng để thu hút thí sinh vào học. Ngoài ra còn có những biện pháp tuyên truyền khác kể các việc định hướng, hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông sẽ giúp các thí sinh định hướng chọn học ngành xã hội nhân văn ngay từ đầu.
 
Trong các trường ĐH chuyên ngành KHXH, cần chú ý tới chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi, chăm lo cho các lĩnh vực này, tới người học, người nghiên cứu, tới đãi ngộ trong lao động, nghề nghiệp… Như vậy, cả người học và người dạy đều không bị tác động quá nhiều bởi sức ép việc làm, thu nhập, dành thời gian và công sức đúng mức cho chuyên ngành nghiên cứu của mình.
 
Đối với các ngành KHXH, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phát triển đồng đều các ngành khoa học.

Trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững” được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng là một nội dung quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.

 
Theo Petrotimes
 

Các tin cũ hơn