Khu phố cổ toàn gỗ quý ngàn tỷ giữa núi rừng

Thứ bảy, 08/12/2012, 14:47
Dãy phố cổ với những ngôi nhà ống làm bằng gỗ nghiến có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, mang trong mình nét kiến trúc đặc sắc đang tồn tại ở một huyện miền núi cheo leo và ít người biết đến.
Khu phố cổ độc đáo giữa núi rừng
 
Na Rì (tên cũ là Lương Thủy) là một huyện nằm tương đối biệt lập ở phía đông của tỉnh Bắc Kạn. Na Rì có độ cao trung bình 550m so với mặt nước biển, núi non rất hiểm trở, do các ngọn núi đá vôi cao 700- 800m chia cắt các làng xã thành nhiều vùng khá riêng biệt.
 
Nhiều người già cho biết, cái tên Na Rì (tiếng Thái là Nà Slì) có nghĩa ruộng dài. Địa hình ở đây núi cao, lũng sâu, hẹp, hai bên bờ suối nối tiếp những thửa ruộng dài cho nên mới được đặt tên như vậy.
 

Cụ Phùng đang trao đổi với PV.

Muốn vào Na Rì chỉ có đường duy nhất theo quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn phía Nam mấy cây số, qua sông Cầu vượt đèo Áng Toòng, khoảng 60 cây số gian nan đường đá nguyên sơ. Có lẽ ngày trước đường được mở cho ngựa thồ muối từ miền xuôi lên.
 
Dưới chân đèo Áng Toòng có rừng trúc vàng óng rất đẹp, có lẽ ai đi qua đây, chỉ cần ngồi nghỉ dưới rừng trúc này thì sẽ quên hết mệt nhọc, để rồi tiếp tục leo đèo Áng Toòng mà vào Na Rì. Lối đi qua đèo Áng Toòng khá nguy hiểm bởi đường hẹp, ngoằn ngèo và độ dốc lớn. Qua hết con đường nguy hiểm ấy, thị trấn Yên Lạc, trung tâm của huyện Na Rì bắt đầu hiện ra với vẻ đẹp bình lặng.
 
Thị trấn Yên Lạc có khoảng 37.000 nhân khẩu gồm 5 dân tộc chính là Mông, Tày, Nùng, Kinh, Dao; thu nhập chủ yếu từ kinh tế nông - lâm nghiệp, thương mại dịch vụ còn hạn chế. Tuy nhiên, ở thị trấn đơn sơ này lại có một khu phố cổ độc đáo với gần trăm gian nhà bằng gỗ nghiến có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Đây là lưu giữ không chỉ phong cách kiến trúc lạ mà còn cả những nét văn hóa ít nơi nào có được.
 
Người dân nơi đây kể rằng, những ngôi nhà gỗ có từ thời những năm 50-60 của thế kỷ trước. Xưa, cùng sống trong những dãy phố cổ là bà con người Hoa, nay bà con dân tộc Tày, Nùng vẫn giữ nguyên nếp xưa. Trải bao tháng năm lịch sử, dãy phố cổ vẫn kiêu hãnh khoe vẻ đẹp mỹ lệ giữa núi rừng. Trong đó, kiến trúc độc đáo của dãy phố và gỗ nghiến chính là điều tạo nên sức hấp dẫn đến mê hoặc của dãy phố cổ đầy bí ẩn này.
 
Có một điều rất dễ nhận thấy là những ngôi nhà ở đây có kiến trúc rất lạ, theo kiểu nhà ống, tất cả đều cùng một kiểu dáng, cùng chất liệu bằng gỗ nghiến. Mới đầu chỉ một vài nhà làm, về sau, cả khu phố đều học cách làm y như vậy.
 
Vốn đã đi qua nhiều nơi, nên thị trấn nhỏ này đã thực sự gây được ấn tượng với tôi ngay từ cái nhìn ban đầu. Bởi khác với kiểu dân cư phân bổ thưa thớt trên các triền núi lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng, Yên Lạc thực sự là một con phố với hai dãy nhà san sát nhau, một kiểu đô thị đặc trưng mà ta đã thấy rất nhiều ở Hội An hay Hà Nội.
 
Những ngôi nhà cao tầng mới xây xen lẫn những ngôi nhà kiểu kiến trúc gỗ trát vách đất nhuộm màu thời gian chứng tỏ lối kiến trúc này đã tồn tại ở đây từ rất lâu đời. Đi dọc con phố, chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà thu hút lữ khách bởi chiếc bàn gỗ con con đặt trước cửa. Trên bàn để hai cái túi, một túi là vô số khối hình chữ nhật xanh, đỏ xếp chồng lên nhau, một là những túi quẩy giòn, quà vặt quen thuộc của trẻ nhỏ...
 
Đón chúng tôi là một cụ bà phúc hậu mái tóc pha sương, đang ngồi bên nong ngải cứu, nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh độc đáo của vùng đất này. Cụ là Lương Thị Phùng, 80 tuổi, dân tộc Nùng. Với giọng nói phúc hậu, cụ bảo rằng, cụ sinh ra và lớn lên ở đây nên bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ cũng như sự thăng trầm của cả khu phố này cụ đều nắm rõ.

Trong ký ức của cụ, từ xa xưa, khu phố này đã mang một dáng vẻ rất khác biệt như vậy. Nhà cửa san sát nhau, cùng một kiểu dáng, chất liệu...

 
Cụ Phùng cho biết: "Nhà tôi cũng được làm bằng loại gỗ nghiến này. 60 năm qua, đến giờ ngôi nhà vẫn như ngày mới được dựng, không hề bị mối mọt". Ngày đó, cha mẹ cụ đón thợ Cao Bằng về rồi cử người lên rừng lấy gỗ. Thông thường phải mất hơn 1 tuần mới tìm được một cây gỗ nghiến, sau khi tìm thấy gỗ, người nhà cụ lấy trâu kéo về, ngâm nước khoảng 5 năm rồi mới bắt đầu dựng được nhà.
 
Cụ Phùng bảo: "Lúc đầu chỉ một, hai nhà dựng nhà bằng gỗ nghiến, sau người dân trong khu phố cứ học theo nhau, dần hình thành một dãy phố dài tồn tại đến tận bây giờ. Phố này được đặt tên là phố cổ cũng là do vậy".
 

Băn khoăn việc bảo tồn phố cổ

Với những ngôi nhà ống dài tại khu phố cổ, gian ngoài thường dùng để tiếp khách, phía bên trái là một lối đi hẹp vào sâu bên trong, còn phía bên phải lần lượt là 2 hoặc 3 phòng ngủ kế tiếp nhau, trong cùng là bếp và khu chăn nuôi, vệ sinh. Khu bếp được dùng làm nơi sản xuất các loại bánh truyền thống ở nơi đây như bánh ngô, bánh khảo, bánh đúc, quẩy, bánh lá ngải...
 
Nhà được làm rất cao, phía trên nóc dãy buồng ngủ có thể làm một gác xép, có cầu thang đi lên, người lớn có thể đứng mà không đụng đầu. Nhà nào đông con thì sẽ làm thêm một phòng nữa luôn trên đó, còn thường thì bỏ trống hoặc để làm kho chứa các đồ vật linh tinh.

Bàn thờ tổ tiên đều được thiết kế trang trọng ngay tại phòng khách, đối diện với cửa ra vào. Trong khu phố cổ rộng thênh thang có một khoảng sân và con đường chạy ở giữa. Ở đây, buổi sáng, người ta bán hàng, chiều chiều, thành viên trong các gia đình thường bắc ghế hóng mát, còn trẻ con thì đá bóng ở sân...

 
Theo lời cụ Phùng thì từ xa xưa các căn nhà ở đây đều đã có kiểu dáng như vậy, tuy nhiên trước đây nhà được làm bằng gỗ tạp nên thường xuyên bị mối mọt. Đến thời của cha mẹ cụ, chủ nhân của những ngôi nhà trên, nhà mới chuyển sang dựng bằng gỗ nghiến, loại gỗ có tính cơ học cao, rất cứng, dai, bền lại không bị mối mọt.
 
Những người già ở đây kể lại, thời kỳ đầu, mái ngói của các nhà đều được làm bằng ngói ta (còn gọi là ngói vẩy cá), tuy nhiên đến bây giờ một số nhà đã thay bằng mái tôn, tấm nhựa chống nóng.

Kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa giữa các vùng lân cận ngày càng xích lại gần nhau, ở những thôn bản vùng thấp, người dân đã chuyển dần từ nhà sàn xuống ở nhà xây, nhưng phần nhiều vẫn lợp ngói âm dương truyền thống, bởi theo quan niệm của bà con, loại ngói này mỏng, khi lợp hai lớp úp ngược nhau nên khí xấu sẽ dễ thoát ra, giúp cho trong nhà luôn mát mẻ về mùa hè.

 

Trẻ em đá bóng trên đường phố khi vắng người.
 
Như minh chứng cho sự bền bỉ, những cột nhà bằng gỗ nghiến thẳng tắp, cao tới nóc, khi gõ vào thì rắn đanh như thép. Thật khó hình dung những cây nghiến này khi chưa qua đẽo gọt thì sẽ to đến mức nào. Theo cô Lý Thị Bình, con dâu cụ Phùng, trải qua hàng chục năm, mái ngói cũ hỏng phải thay nhưng căn nhà thì vẫn như vậy, không mối mọt, mục nát.

Thậm chí, nếu chuyển đi chỗ khác thì chủ nhân của nó vẫn có thể dỡ các mối, kèo ra, mang gỗ đi lắp ghép lại được như cũ. Theo lời cụ Phùng, phải mất tới 15 ngày, những người người thợ mới dựng xong cột kèo của một ngôi nhà. Do vậy, việc dựng nhà gỗ tốn không ít thời gian.

 
Cũng theo cụ Phùng, nhiều gia đình ở đây còn có nghề làm bánh tẻ, bánh khảo, bánh chưng, quẩy... và nghề này chỉ được truyền cho con dâu, không truyền cho con trai, con gái. Đúng như lời cụ Phùng nói, dạo quanh khu phố cổ, chúng tôi thấy nhiều gia đình tất bật với việc làm bánh để sáng hôm sau đem ra chợ bán.
 
Tuy tận hưởng không gian tĩnh lặng của phố núi nhưng chúng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng bởi một lời tâm sự buồn của cụ Phùng: "Nếu có tiền, người dân ở đây sẽ phá hết nhà cũ mà làm nhà tầng thôi. Cho đến thời điểm này, chưa ai có ý định bảo tồn khu phố cổ". 
 
Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn