Bệnh nhân người nước ngoài cũng không muốn chuyển tuyến
Ngày 11.12 là ngày thứ ba ông Shigeru Oi (68 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) nằm tại khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Hà Đông. Đêm 2 ngày trước đó, ông vào BV trong tình trạng viêm phổi nặng. Các BS chẩn đoán ông bị suy hô hấp do viêm phổi nặng, kèm theo cao huyết áp. Sau khi xử lý tình trạng bệnh ổn định, bác sĩ hỏi ông có muốn chuyển về BV tuyến TƯ để chữa trị tốt hơn. Bệnh nhân đã từ chối và khẳng định: “Điều trị ở BV Hà Đông là đủ rồi”.
Sự tin tưởng của một bệnh nhân người nước ngoài chữa bệnh tại BV Đa khoa Hà Đông chỉ có thể xuất phát từ hiệu quả khám- chữa bệnh thực tế ở đây. BS-ThS Nguyễn Thành Trung- Phó Trưởng khoa- cho biết: “Khoảng 70% quy trình cấp cứu cho bệnh nhân được áp dụng ở khoa là theo tiêu chuẩn ISO. Mới đây nhất, các BS và điều dưỡng trong khoa đã được BV Bạch Mai tập huấn về quy trình cấp cứu ngừng tim ngoài tuần hoàn.
Với bệnh nhân bị ngừng tim như thế, nếu được cấp cứu trong 5 phút thì khả năng thành công rất cao, bệnh nhân sống không để lại di chứng. Khi ca bệnh này nhập viện, tự động kíp gồm 1 người ép tim, 1 – 2 bóp bóng, 1 tiêm truyền, 1 sốc điện sẽ vận hành, phải tranh thủ từng giây để cứu người bệnh.
Thông tin của bệnh nhân khi đến khám tại khoa Khám bệnh được nhập vào mạng nội bộ để tiện theo dõi trong quá trình điều trị, ra vào viện. |
Thành công của một ca cấp cứu ngừng tim ngoài tuần hoàn phụ thuộc rất lớn vào tình trạng người bệnh khi nhập viện, thường tỉ lệ thành công không vượt quá 3%. Nhưng theo ThS Trung, số ca được cứu chữa khỏi ở khoa gần đây đã tăng lên khoảng 15% sau khi khoa áp dụng theo tiêu chuẩn ISO”.
Tư vấn cho bệnh nhân lúc nửa đêm
Không chỉ bệnh nhân, mà bác sĩ ở đây đều cảm nhận rõ hiệu quả khi khám- chữa bệnh theo tiêu chuẩn ISO. Cũng như của các trưởng khoa khác, số di động của BS Trần Văn Hành- Trưởng khoa Khám bệnh- luôn được niêm yết công khai trên cửa phòng làm việc của ông.
Nhiều lúc giữa đêm, BS Hành nhận được cuộc gọi của bệnh nhân, ông vẫn tư vấn đầy đủ như khi đang trong giờ làm việc. Mới tối hôm kia, bà Nguyễn Thị Vạn có tiền sử tăng huyết áp từ 5 năm qua (ở phường Dương Nội, Hà Đông) đột ngột bị tê tay. Bà rất lo lắng, không biết nên đến BV ngay không nên đã gọi đến BS Hành xin tư vấn.
Nghe bà kể rõ triệu chứng, BS khuyên nếu huyết áp tăng thì nghỉ ngơi, uống thuốc hạ huyết áp, một thời gian sau nếu không thấy đỡ tê và huyết áp vẫn cao thì nên đến BV. Bà cần phải cảnh giác với biểu hiện bị méo mồm hay liệt mặt, bởi đây có thể là dấu hiệu của tai biến do cao huyết áp. Bà Vạn làm theo hướng dẫn của BS và thấy rất yên tâm.
BS Hành bảo, không ai muốn phải trả lời những cuộc gọi lúc nửa đêm như vậy, nhưng đó là tình huống khẩn cấp, bệnh nhân cần thì BS- nhất là người ở vị trí tiếp đón bệnh nhân ban đầu- không thể từ chối. Đã có thời gian, khoa Khám bệnh ở BV không được coi trọng. Nhưng khi tham gia là BV vệ tinh của BV Bạch Mai, khoa được đặt lại vị trí tiền tuyến.
Đối với ông- một người đã 58 – 59 tuổi, việc thay đổi tư duy phải đặt bệnh nhân là trung tâm cũng không dễ dàng. Nhưng khi đội ngũ BS, điều dưỡng của khoa được trẻ hóa, thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ qua các cuộc hội thảo - hội chẩn trực tuyến, ông đã bị cuốn theo.
Túi xanh đựng rác sinh hoạt, túi vàng đựng rác thải y tế, bình nhựa vàng cho bơm kim tiêm bẩn - việc vứt rác tại khoa Cấp cứu cũng phải theo quy định ISO về xử lý rác thải trong BV. |
Giờ đây, quy trình khám tại khoa Khám bệnh rút ngắn từ 11 bước xuống còn 7 bước. Ngay tại khoa, có đầy đủ BS các chuyên khoa để có thể đưa ra chỉ định nhập viện hay điều trị ngoại trú cho bệnh nhân chính xác và sớm nhất. Thông tin về bệnh nhân được nhập vào máy tính và nối mạng với các khoa- phòng để thuận lợi cho theo dõi bệnh nhân điều trị, ra vào BV.
Sự thay đổi trong quy trình khám- chữa bệnh ở 2 đơn vị “tiền tuyến” nói trên của BV Đa khoa Hà Đông chính là một phần trong kết quả của đề án BV vệ tinh của BV Bạch Mai thực hiện từ năm 2009 đến nay. Nhận định về hiệu quả của mô hình này, BS CKII Lê Hoàng Tú – Trưởng phòng chỉ đạo tuyến BV- cho hay: “Đây là đề án toàn diện và đồng bộ. Bởi mục tiêu không chỉ chú trọng chuyển giao kỹ thuật đơn thuần mà còn hỗ trợ, tư vấn toàn diện về quản lý, chuyên môn hệ nội, hồi sức cấp cứu, cận lâm sàng cho tuyến dưới, thậm chí cả nâng cao giúp kỹ năng thái độ tiếp xúc của nhân viên y tế với người bệnh”.
Ngoài hệ thống BV vệ tinh ngoại khoa của BV Việt Đức thì đây được xem là Đề án BV vệ tinh nội khoa, cận lâm sàng đầu tiên của hệ thống BV trong cả nước. Mô hình BV vệ tinh hiện nay được thực hiện cùng với đề án 1816, công tác chỉ đạo tuyến.
Nhiều chuyên gia nhận định: Đây là mô hình tỏ ra hiệu quả nhất và sẽ là cách làm ưu tiên trong tương lại để nâng cao thực sự năng lực khám- chữa bệnh cho tuyến dưới, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Theo laodong