Theo ông Cường, do số thông bị chặt hạ nói trên chưa đủ tiêu chí thành rừng nên Hạt Kiểm lâm chưa thể khởi tố vụ án phá rừng, mà phải chuyển cho Công an điều tra xác định đối tượng chặt phá, động cơ chặt phá thông để chiếm đất hay là phá hoại tài sản.
Năm 2010, sau khi xử lý vụ san ủi đất rừng trái phép quy mô lớn tại tiểu khu 156, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên (nằm ngay sau Dinh I, thành phố Đà Lạt), các ngành chức năng TP Đà Lạt đã trồng lại 1.000 cây thông ba lá. Tuy nhiên, hiện nay, số thông này mới trồng được hơn 2 năm tuổi lại bị đốn hạ không thương tiếc.
Thông mới trồng hơn 2 năm bị đốn hạ |
Trưa 8-12, phóng viên Báo SGGP Online có mặt tại địa điểm trên và phát hiện những cây thông lại bị đốn hạ hàng loạt. Tại hiện trường, hàng trăm cây thông mới trồng hơn 2 năm bị đốn hạ, nhổ bỏ vứt ngổn ngang.
Thông bị nhổ bỏ chỉ còn gốc |
Trước đó, vào tháng 6-2010, ông Lê Viết Tám (ở đường Quang Trung, TP Đà Lạt) thuê phương tiện cơ giới vào san ủi trái phép, chiếm đất rừng, chia lô và dựng một căn nhà khoảng 32m². Vụ việc bị ngành chức năng phát hiện, giải tỏa. Sau đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên đã trồng lại 1.000 cây thông trên diện tích 5.000m². Tuy nhiên, hiện số thông này đang bị đốn hạ. Cạnh đó, nhiều cây thông hơn 10 năm tuổi bị chết đứng.
Nhiều cây thông lớn bị chết |
Cách khu vực thông bị chặt hạ vài trăm mét, một diện tích đất rừng cũng đang được xe cơ giới san ủi.
Theo SGGP