Tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng là một trong những điểm nóng đang chờ đợi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết trong năm 2013. Ảnh: MSA |
"Không có vấn đề ngoại giao nào trong năm 2013 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới bằng việc liệu Mỹ và châu Âu có giải quyết được tình trạng khủng hoảng kinh tế hay không", Jessica Mathews, chủ tịch Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế viết trong bài "10 thách thức và cơ hội cho những nhà lãnh đạo thế giới năm 2013".
Trừ khi Tổng thống Mỹ Obama có thể đạt được thỏa thuận với đối thủ của đảng Cộng hòa vào cuối năm nay, nếu không Mỹ sẽ vẫn phải treo mình trên "vách đá tài chính", sự kết hợp của việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, có thể dẫn đến cuộc suy thoái khác cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Nếu các đảng phái chính trị ở Mỹ có thể thống nhất phương pháp tháo gỡ khó khăn của vách đá tài chính, thủ phạm bóp nghẹt nền kinh tế trong 18 tháng qua đối với khu vực đầu tư tư nhân, thì nền kinh tế mới có thể được phục hồi và tạo ra năng lượng và sức nặng cho Mỹ trong những vấn đề quốc tế", Mathews nói.
Đối với châu Âu, "thách thức vẫn là việc tập trung chống đỡ cho nền kinh tế và quyết tâm chính trị", chuyên gia của Mỹ giải thích. "Khủng hoảng đồng euro vào năm 2012 từ cấp tính sẽ trở thành mãn tính, theo đuổi chúng ta trong những năm tới", và cảnh báo những nước như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cần phải "duy trì những biện pháp khắc khổ, tránh lùi bước, đặc biệt là Pháp, để tiếp tục từng bước phục hồi tăng trưởng".
GDP của của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu được dự báo sẽ giảm 0,3% trong năm sau, tuy nhiên Justin Vaisse, giám đốc cơ quan nghiên cứu về Mỹ và châu Âu thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nói rằng ông tin tưởng thời kỳ khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng đồng euro đã đi qua.
Nhưng chuyên gia người Pháp này cũng lo lắng rằng yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông dự kiến một tương lai ảm đạm trong đó khu vực đồng euro "cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc vì sự suy thoái nghiêm trọng hơn dự kiến", gây ra "những ảnh hưởng về xã hội, địa chính trị và chính trị" ở Trung Quốc.
Trước tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, các chuyên gia đang ngày càng lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang thậm chí là xung đột vũ trang trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việc tranh chấp những quần đảo hoang vu không người tưởng chừng như không phải vấn đề gì to tát, nhưng thực tế có thể làm bùng lên thành cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ có quan hệ liên minh quân sự với Nhật Bản nhưng hiện tại tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp.
Các nước láng giềng của Trung Quốc "đang trông đợi Mỹ trở thành lực lượng đối trọng về quân sự và chính trị với Trung Quốc, mà nếu không có yếu tố đối trọng này có thể dẫn đến việc một quốc gia có thể hoàn toàn thống trị đối với khu vực", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown, cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn là "vấn đề nóng bỏng" trong năm 2013, với "khả năng bùng phát dữ dội trong khu vực", ông Vaisse nhận định. Các cường quốc và Isarel nghi ngờ Tehran phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự, bất chấp sự phủ nhận của quốc gia Hồi giáo.
Trong khi Iran kiên quyết chương trình làm giàu uranium của mình thì "logic của thập kỷ trước về việc áp dụng trừng phạt và tiến hành đàm phán đã không còn tác dụng", ông Vaisse nói.
Tuy nhiên, ông Brown lại cho rằng các biện pháp trừng phạt có hiệu quả rõ rệt và kêu gọi tiếp tục ban hành thêm những lệnh trừng phạt mới để ngăn cản chương trình làm giàu uranium của Tehran hoặc ít nhất là tạm ngưng chương trình này. "Tôi không loại trừ khả năng không kích vào cơ sở hạt nhân của Iran vì họ cần phải biết rằng vẫn tồn tại khả năng đó", ông nói.
Các chuyên gia dự đoán rằng người hùng cố thủ ở Damascus Bashar al-Assad có thể sẽ thất bại trước lực lượng quân nổi dậy vào khoảng Giáng sinh và dự kiến một sự bắt đầu mới cho những "đồng thuận quốc tế", nhờ việc Nga thay đổi thái độ cứng rắn trước đó. Nếu điều đó xảy ra, năm 2013 sẽ là lúc bắt đầu một quá trình "chuyển đổi chính trị khó khăn và lâu dài" ở Syria, ông Mathews nói.
Vaisse thì cho rằng "có khả năng cuộc chiến nội bộ này có thể tự chấm dứt", nhưng cho rằng "vẫn cần có sự hiện diện của phương Tây để duy trì và ổn định trật tự".
Theo Vnexpress