Trong kí ức, quê tôi là một bản nhỏ, cô lập bởi những con đường đầy đá hộc, ai cũng ngại đến. Quê hương tôi luôn yên bình đến ảm đạm và chợ phiên là những gì tôi nhớ về những ngày sôi động hiếm hoi.
Chợ phiên quê tôi chẳng nổi tiếng như chợ phiên hay được chiếu trên tivi ở Lào Cai hay Hà Giang, phải lâu lắm nó mới họp một lần và họp rất nhanh. Chợ thường họp trên một bãi đất trống, lụp xụp vài cái quán lợp bằng mái tranh. Quanh năm cũ kĩ và ảm đạm, chỉ khi nào có phiên chợ nó mới được dọn dẹp chút ít.
Chiều hôm trước khi chợ phiên bắt đầu, mấy người bán hàng với lỉnh kỉnh hàng hóa trên chiếc xe Min có mặt ở chợ. Những thứ họ mang đến có thể là quần áo, là vải vóc, là đồ chơi….tất cả những thứ cần cho nhu cầu của người dân quê. Họ chở cả thế giới, cả ước ao của rất nhiều người. Chợ phiên là những gì chúng tôi mong chờ. Một vài người mong mỏi có thể bán được những thứ “cây nhà lá vườn” để kiếm chút tiền cải thiện cho gia đình. Một vài người khác mong mỏi để mua sắm một vài thứ cho gia đình còn chúng tôi luôn mong mỏi sẽ có những món đồ chơi thật oách.
Sớm tinh mơ tôi đã thấy mẹ trở dậy, sắp sửa cẩn thận những thứ đồ đem ra chợ. Tôi cũng trở dậy để theo mẹ vì tôi biết thể nào mẹ cũng mua cho tôi một món đồ chơi nào đó. Nghĩ đến đó tôi luôn cảm thấy hứng thú và chắc hẳn chúng bạn của tôi cũng vậy vì bọn nó cũng dậy rất sớm.
Chợ sáng thường chỉ có các bà, các mẹ và lũ trẻ con. Mọi người buôn bán rôm rả còn chúng tôi đuổi nhau quanh các sạp hàng hay đứng lặng người trước một món đồ chơi mà những người bán hàng ở dưới xuôi mang lên. Chúng là những con búp bê xinh đẹp bọc trong túi nilong, là những con robot dũng mạnh, oai vệ…. chúng quá khác biệt so với những cô búp bê bằng bắp ngô hay những con robot “cây nhà lá vườn” của bọn tôi. Sẽ rất vui, hạnh phúc và hãnh diện biết bao khi được sở hữu những món đồ đó. Mẹ đã hứa sẽ mua cho tôi nếu mẹ bán được hàng và tôi cầu mong điều đó thành sự thật. Bọn bạn tôi cũng vậy.
Tầm trưa, mọi hoạt động mua bán mới thực sự rôm rả. Sự xuất hiện của cánh đàn ông làm cho phiên chợ đông hơn hẳn. Những quán rượu mở vội với chỉ mấy cái ghế băng đặt quanh một cái bàn trở nên chật trội hơn Những bát rượu được rót ra tràn cả miệng tạo nên một mùi thơm mà bây giờ lớn rồi tôi mới thấy nó vô cùng quyến rũ. Những người ngồi đó nhanh chóng trở thành bạn nhậu, uống, nói và uống rồi lại nói. Ngoài kia các bà các mẹ cũng nói nhưng không uống còn chúng tôi không uống, không nói nhưng la hét và chạy nhảy. Tiếng gà, tiếng vịt, tiếng rao, tiếng hò hét……Tất cả tạo nên một không không khí rộn ràng ở vùng quê vốn quá yên bình.
Kết thúc chợ phiên, những bữa cơm của các gia đình thường có thêm nhiều món ngon. Các bà, các chị cũng sắm sửa cho mình manh quần, tấm áo còn chúng tôi sau bao nhiêu háo hức là những món đồ chơi. Chợ phiên quê tôi cứ như vậy từ năm này qua năm khác.
Tôi cũng chẳng nhớ mình đã thức dậy cùng mẹ bao lần, bao lần chết lặng trước những món đồ chơi và bao lần vui sướng khi được nhận quà từ mẹ nhưng thứ duy nhất tôi nhớ là những phiên chợ và cảm giác như quê hương bừng sáng mỗi khi chợ phiên xuất hiện. Như câu chuyện nàng công chúa ngủ trong rừng mà tôi vẫn thường nghe kể và công chúa là quê hương tôi ảm đạm bừng sang khi chàng hoàng tử “chợ phiên” trao nụ hôn.
Bây giờ cuộc sống quê tôi giờ khá hơn trước rất nhiều. Người ta bỏ tiền làm đường nhựa, xe cộ đi lại dễ dàng và chỉ mất vài phút có thể đến được chợ trung tâm ở huyện. Bọn trẻ quê tôi có lẽ không còn phải háo hức trước một món đồ. Mọi thứ được mua bán rất dễ dàng nhưng có nhiều thứ đã mất đi và kí ức về những phiên chợ, những háo hức của một thời có lẽ chỉ chúng tôi mới nhớ.
Tulinh